Nhiều vụ đuối nước thương tâm

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Con số này đã khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong số đó 70% trẻ đuối nước ở lứa tuổi dưới 15. Có 53% trường hợp đuối nước xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, hồ, sông, suối, kênh mương không có sự bảo vệ của người lớn.

Cụ thể, đầu tháng 2/2019, tắm biển buổi chiều làm 6 em học sinh ở Quảng Nam đuối nước thương tâm. Tiếp đến, ngày 21/3, một vụ đuối nước thương tâm, cướp đi mạng sống của 8 em nhỏ sống cùng một khu phố tại Hòa Bình, khiến cho ai nghe tin cũng không khỏi bàng hoàng. Mới đây nhất, ngày 20/5, tại xã Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xảy ra vụ việc đau lòng 4 học sinh chết đuối khi tắm suối, trong đó có 2 người là chị em ruột.

Dạy kỹ năng bơi cho trẻ

Theo phân tích, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em và trẻ vị thành niên tại Việt Nam, đặc biệt xảy ra nhiều vào thời gian nghỉ hè và mùa mưa bão, mùa nước nổi. Do đó, việc phổ cập bơi và các kỹ năng phòng - chống đuối nước trong lứa tuổi học đường được đánh giá là giải pháp hết sức cấp thiết.

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em thì nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu bạn khi đuối nước. Thêm vào đó là do thiếu các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nhất là đối với trẻ ở vùng nông thôn, buộc các em thường tìm đến các bãi biển, sông suối, ao hồ gần nhà để tắm mà không có sự quản lý, giám sát của người lớn, khi gặp nạn lại không biết cách cứu nhau nên hậu quả nặng nề xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, để giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung trang bị kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ. Ngoài ra, nhà trường và gia đình phải phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát với trẻ khi các em ra sông, suối, hồ, ao tắm. Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ.

Trách nhiệm của người lớn

Nhằm giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Quyết định số 234/ QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Có tất cả 9 bộ, ngành sẽ cùng triển khai kế hoạch phòng, chống đuối nước trẻ em. Triển khai dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và các biện pháp giám sát trẻ, trông trẻ tại gia đình, cộng đồng.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Bộ này cho biết, yêu cầu phòng, chống đuối nước học đường cũng đã được Bộ này đặt ra từ lâu. Tại kế hoạch triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Giáo dục đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cũng là mục tiêu xuyên suốt trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 100% các trường học có bể bơi, hồ bơi; tăng cường công tác phối hợp liên ngành về phòng chống tai nạn đuối nước, dạy bơi cho học sinh. 

Tại lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước năm 2019 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, từng bước giảm tai nạn đuối nước. 

Phương Anh