Làng dân tộc Cơ Tu (Thừa Thiên Huế) có 3 ngôi nhà với 6 nhân khẩu, họ đều là người ở xã Hưng Hữu, huyện Nam Đồng mới ra Làng gần hai năm. 

Trưởng Làng Cơ Tu là ông Hồ Văn Sưng, 67 tuổi, một nghệ nhân đa tài; Hát, múa, vỗ trống, đánh cồng chiêng, nhạc nhị và sử dụng điêu luyện các nhạc cụ dân tộc Cơ Tu.

Trưởng Làng Cơ Tu Hồ Văn Sưng cho biết: Bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Tu thì nhiều, nhưng độc đáo nhất, phổ biến nhất là điệu múa Tân tung giã giã. Đây là bài múa mừng lễ hội của buôn làng. Khi cồng chiêng, tiếng trống vang lên rộn vang thì mọi người, già trẻ, trai gái hồ hởi bước vào vòng múa. Khi đã hòa mình vào vòng múa thì mọi buồn phiền, âu lo trong cuộc sống thường nhật đều tiêu tan. Du khách đến thăm Làng rất thích xem bài múa này.

Làng Tày biểu diễn đàn tính tẩu.

Ông Sưng tâm đắc: Với người Cơ Tu thì tiếng cồng chiêng, nhịp trống, tiếng đàn ta lư, đàn nhị là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, là cái hồn của buôn làng. Và, ước vọng lớn nhất của ông ra Làng cũng chỉ mong muốn được góp phần bảo tồn, phát huy được những bản sắc văn hóa độc đáo nhất của dân tộc Cơ Tu. Đưa bản sắc đó lan tỏa đến với du khách trong, ngoài nước để mọi người hiểu hơn về đời sống văn hóa tinh thần của người Cơ Tu. Việc này người dân tộc khác không thể thay người Cơ Tu làm được mà chính người Cơ Tu phải có trách nhiệm đứng ra làm. Và, ông Hồ Văn Sưng cùng 6 thành viên của Làng Cơ Tu ở Làng VHDL các dân tộc Việt Nam đã, đang nỗ lực thực hiện điều đó.

Làng Khơ Mú (tỉnh Điện Biên) nổi tiếng với Lễ Cầu mưa. Lễ Cầu mưa đơn giản, mâm lễ chỉ có 2 con gà bày mâm lá chuối, một đĩa sôi, một gói ớt, gói muối, một bộ quần áo nam, nữ, một tệp vải đen, trắng, phần lễ diễn ra trong thời gian 30 phút. Kết thúc phần lễ là phần hội, với những điệu múa Tăng bu dũ ống, tam đao, au eo. Nhạc cụ là cồng chiêng, trống, ống gõ. Rất đơn giản nhưng sôi động, hấp dẫn mang đúng phong thái, nhịp sống của người Khơ Mú trên núi rừng Tây Bắc.

Nghệ nhân dân tộc ÊĐê biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Trưởng Làng Khơ Mú Quàng Văn Cá cho biết: Hôm tổ chức Lễ Cầu mưa tại Làng, du khách đến xem rất đông. Khách yêu cầu tái hiện 2 – 3 lần phần Lễ, phần hội để họ quay phim, chụp ảnh. Xem xong, họ nói rằng, đấy mới là bản sắc riêng biệt của người dân tộc Khơ Mú Tây Bắc.

Cùng với dân ca, dân vũ, người Khơ Mú ở Làng còn giới thiệu với du khách món ẩm thực độc đáo như món gà mọ, dê núi hấp với gia vị lá rừng đã hút khách đến kỳ lạ. 

Ông Cá cho biết: Trong hai ngày nghỉ lễ 30/4 và 01/5, Làng tiêu thụ được 52 con gà đồi, hơn 100 kg lợn mán, hơn 60 kg dê núi. Đây là sản vật do Làng nuôi, khách đến thăm tùy ý chọn gà, lợn rồi cùng người của Làng làm cơm, bày mâm cỗ. “Tôi sẽ xây dựng Làng Khơ Mú thành điểm du lịch cộng đồng để du khách được tai nghe, mắt thấy, tay được cầm và được thưởng thức những nét dặc trưng nhất trong đời sống tinh thần, vật chất của người Khơ Mú Điện Biên ngay tại Làng văn hóa” - Trưởng Làng Quàng Văn Cá tâm đắc nói.

Giã, sàng gạo, nét văn hóa của người dân tộc Tà Ôi, Ba Na.

Làng Mường nằm trên sườn đồi thấp, trong làng có vườn chè, vườn rau, cây ăn trái, có hàng cau, dàn trầu. Làng Mường thực sự là nơi tụ hội đầy đủ bản sắc mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường, đặc biệt là 4 Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) của tỉnh Hòa Bình. Nơi được ví là cái nôi của người Mường. 

Ông Bùi Văn Lương, Phó Làng cho biết: Trong Làng có đội cồng chiêng, đội xéc bùa, đội múa, hát, đội nhạc cụ cò ke, ống sáo. Các nghệ nhân của làng có thể tái hiện một cách hoàn hảo về một lễ cơm mới, lễ ăn hỏi, lễ thôi nôi, mừng thọ, lễ mát nhà, mừng nhà mới... của dân tộc Mường.

Chị Vũ Thị Phương Thanh, giáo viên THPT ở quận Ba Đình, Hà Nội, bày tỏ: Qua báo chí, tivi được nghe, xem hình ảnh về con người, cuộc sống sinh hoạt của người Mường nhiều rồi, nhưng nay được bước lên ngôi nhà sàn, ngắm nhìn các hiện vật trong nhà như cái ớp, cái giỏ, cái sọt, được tung quả còn, giã gạo, dệt vải, đánh chiêng, và ấn tượng sâu sắc, cảm động nhất là được nghe, xem các chị múa, hát, chơi nhạc cụ dân tộc về những làn điệu dân ca Mường, sao mà ngọt ngào, vào lòng người đến thế. Sắc phục của con gái Mường rất đẹp, có hồn. Về Làng nói chung, đến Làng Mường nói riêng mới thấy bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam mình rất phong phú, hấp dẫn.

Người Làng ÊĐê, Cơ Tu hát múa phục vụ khách.

Gặp, tiếp chuyện với bà H Hoa ở Làng dân tộc ÊĐê, ông Chama Lêa Giấp, Trưởng Làng RagLai, ông Ma Đình Sung, Trưởng Làng Tày, mới thấy họ là những con người tài năng, có tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng dân tộc. Họ về Làng VHDL các dân tộc Việt Nam với mong muốn là được gìn giữ, phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình với cộng đồng, xã hội. Họ là những nhân tố quan trọng ngày đêm miệt mài thổi hồn vào Làng VHDL các dân tộc Việt Nam. Những người thực hiện, đưa Nghị quyết Trung ương V vào cuộc sống. 

Các Trưởng làng, nghệ nhân người Raglai, ÊĐê, Tà Ôi, Cơ Tu, Khơ Mú, Tày, Dao, Xơ Đăng đều chia sẻ: Có bản sắc dân tộc ở quê có thể bị mai một nhưng ở Làng VHDL các dân tộc Việt Nam nói chung, ở các Làng nói riêng thì nó lại được gìn giữ, bảo tồn và tỏa sáng.            

                                                               

  Bài, ảnh: Đức Long