Ra đi vì lí tưởng

Tiếp chuyện chúng tôi trong những căn phòng riêng, các bác, các cô thương binh bồi hồi nhớ lại những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Bác Trần Quốc Tế, 62 tuổi, thương binh hạng 1/4, quê Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vốn là chiến sĩ trinh sát. Bác nhập ngũ tháng 4/1970, huấn luyện tại Tiểu đoàn Đặc công D31, Quân khu 4. Được biên chế qua nhiều đơn vị, bác Tế kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau và tham gia nhiều trận đánh ở Chơn Thành, Định Quán, La Ngà, Xuân Lộc; cùng đồng đội đánh chiếm bộ tổng tham mưu Ngụy sáng 30/4/1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đó, bác làm nhiệm vụ quân quản, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, tham gia truy quét lực lượng Pôn Pốt ở Campuchia và bị trọng thương trong lúc đi trinh sát địa bàn tại tỉnh Công Pông Chpư ngày 20/3/1979.

Bác Nguyễn Thị Lượng, 63 tuổi là thương binh hạng 1/4, quê Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An. Tốt nghiệp Trung cấp Y, đầu năm 1971, bác tình nguyện đi chiến trường B, đầu quân cho Ban Dân y khu 5, Phòng Hậu cần 773 - Đoàn Xây dựng kinh tế. Do nhiệm vụ, đơn vị di chuyển thường xuyên, bác đã bị tai nạn chấn thương cột sống trên đường đi công tác từ Gia Lai về Đắc Tô - Tân Cảnh tháng 6/1976. Hiện, bác là 1 trong 2 nữ thương binh không lập gia đình…

Từ các chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, chiến trường Lào, Campuchia, thuyên chuyển qua nhiều bệnh xá, bệnh viện, đoàn an dưỡng khác nhau, các thương bệnh binh được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An.


Bác Trần Quốc Tế, thương binh 1/4, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng Thương binh của Trung tâm

Những năm đầu, do điều kiện cũng như tình hình thương tật chưa ổn định, hầu hết các thương binh phải nằm một chỗ, sau này mới có xe lăn hỗ trợ. Bác Tế chia sẻ: “Hai năm sau mình mới có xe lăn. Từ đó, đôi tay đã thay đôi chân. Ngoài những công việc đời thường, đôi tay còn phải điều khiển xe lăn để di chuyển”.

Trong số 28 thương bệnh binh của Trung tâm phải gắn với xe lăn thì có 8 người không lập gia đình, trong đó có 2 phụ nữ. “Thỉnh thoảng, anh em con cháu đến thăm cũng vui rồi. Sau khi bị thương, tôi không nghĩ chuyện hạnh phúc riêng", bác Lượng tâm sự. Trên dưới 30 năm, các bác, các cô đã sống những tháng ngày như thế.

Sáng mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi Trung tâm còn đông thì 3 - 4 người ở 1 phòng. Nay gần như mỗi người được một phòng, được cấp giường, tủ, bàn ghế, quạt điện. Nhiều thiết bị hiện đại như tivi, tủ lạnh, bếp ga… cũng được nhiều cô, bác sắm thêm. Nhìn căn phòng của bác Hồng thật ấm cúng, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng. Huy hiệu, bằng khen, ảnh Bác Hồ được bài trí một cách trang trọng.

Bác Hồng - một trong những thương binh của Trung tâm cho biết: “Trung tâm có bếp ăn nhưng chủ yếu phục vụ những người nằm liệt giường. Ai còn làm việc được thì tự nấu ăn cho hợp khẩu vị, cũng là vận động cho khỏe mạnh. Chỉ khi nào ốm đau, mới nhờ vào anh chị cấp dưỡng”.

Chi bộ Thương binh có 4 đảng viên phải dùng xe lăn. Với trên 30 - 40 năm tuổi Đảng, các bác vẫn tham gia công tác tập thể nhiệt tình. Bác Tế hiện là Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng Thương binh của Trung tâm. Trong những ngày lễ, các bác, các cô lại thành kính dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi đồng đội cũ…

Dưới mái nhà chung là Trung tâm, điều chúng tôi dễ gặp nhất là tình cảm gắn bó, đoàn kết như anh em một nhà giữa các thương, bệnh binh. Quá khứ tươi xanh và những ngày hành quân thuở mười tám, đôi mươi như ánh lửa thắp sáng từng căn phòng. Chúng tôi ấm lòng nghe âm vang khí thế “dậy mà đi” giữa Trường Sơn đại ngàn. Bác Lượng chia sẻ: “Những ngày đầu cũng buồn vì mình phải nằm trên giường bệnh, nhưng sau rồi quen dần. Vui lên để sống như những tháng năm vượt núi băng rừng, cháu ạ”.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An được thành lập ngày 19/11/1974.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Trung tâm có hơn 700 thương, bệnh binh. Hiện, Trung tâm có 73 thương bệnh binh, trong đó có 28 thương bệnh binh gắn liền cuộc đời với những chiếc xe lăn.


Bảo Anh