Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà (Ban QLDA) cho biết, hiện Ban QLDA đang quản lý trên 10 công trình, dự án, thuộc ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Đến nay, có một số công trình, dự án bị chậm tiến độ do chậm GPMB.

Tại dự án hạ tầng đấu giá đất huyện Lộc Hà, có tổng vốn đầu tư 66,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn địa phương, Cty TNHH Vĩnh Phúc là nhà thầu trúng thầu thi công dự án này. Theo lộ trình, dự án phải kết thúc vào năm 2018, thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. Hiện còn một số tuyến đường công vụ chưa được hoàn thiện và hệ thống điện chưa được kéo dây. Theo ông Trường, dự án này bị chậm tiến độ 1 năm.

Đối với dự án đường giao thông vào khu trang trại kết hợp cứu hộ đập Khe Quả, hiện đang bị tắc khoảng 500m do chưa được GPMB. Theo ông Nguyến Đức Công, cán bộ kỹ thuật Ban QLDA, dự án có chiều dài 4,07km, được thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn đường cấp 4 với nền đường rộng 5m và mặt đường rộng 3,5m. Dự án có tổng vốn đầu tư 23,8 tỷ đồng, do Cty Cổ phần Tư vấn và xây dựng Tuấn Anh làm nhà thầu thi công. Dự án được triển khai từ tháng 4/2018, theo lộ trình, dự án sẽ kết thúc vào tháng 4/2019, thế nhưng hiện vẫn còn 500m chưa được GPMB.

Dự án đường giao thông vào khu trang trại kết hợp cứu hộ đập Khe Quả đang bị tắc vì còn 500m chưa GPMB. Ảnh: Ngô Khuyên

 

Dự án xây dựng công trình kiên cố hóa phòng học các trường mầm non, tiểu học các xã đặc biệt khó khăn, đến nay, Trường Tiểu học Tân Lộc vẫn chưa thể hoàn thành. Hiện mới xây xong tầng 2 và đang trong quá trình làm mái. Nguyên nhân chậm tiến độ, theo nhà thầu thi công (Cty Cổ phần Xây dựng thương mại 559) là do chậm GPMB.

Việc chậm GPMB cũng đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án nâng cấp tuyến đường ven biển, đoạn chạy qua địa bàn huyện Lộc Hà. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra “tối hậu thư” đối với huyện Lộc Hà, phải hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 14 hộ dân, tái định cư cho 3 hộ ở các thôn Yên Điềm, Quang Trung, Yên Định (xã Thịnh Lộc); GPMB khoảng 430m đi qua đất ở, nhà ở và 12 ngôi mộ; hoàn thành di dời hệ thống đường điện và đường nước trước ngày 20/4/2019.

Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển, đoạn chạy qua địa bàn huyện Lộc Hà, đang bị chậm tiến độ. Ảnh: Ngô Khuyên

 

Bên cạnh các dự án chậm tiến độ, theo phản ánh của người dân địa phương, hiện có một số dự án không phát huy hết công suất thiết kế; có dự án có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng; có dự án có dấu hiệu thi công sai kỹ thuật…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, công trình hệ thống đường ống cấp nước sạch xã Hộ Độ không phát huy hết công suất thiết kế. Ông Nguyễn Tiến Chương, Giám đốc Cty Cổ phần Xây dựng và thương mại Thái Hoàng cho biết, theo thiết kế, công trình sẽ kết nối cung cấp nước sạch cho 1.100 hộ dân trên địa bàn xã Hộ Độ, thế nhưng, hiện mới kết nối, cung cấp cho 647 hộ. Nguyên nhân là do các hộ dân không đóng tiền chi phí thiết bị. “Hiện Cty cũng đã ngừng không kết nối, cung cấp nước thêm cho các hộ dân nữa” - ông Chương nói.

Được biết, công trình hệ thống đường ống cấp nước sạch xã Hộ Độ có tổng mức đầu tư gần 10,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Đối với dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Mai Hắc Đế, có tổng vốn đầu tư 105,68 tỷ đồng, nguồn vốn huy động xã hội hóa và chủ đầu tư huy động nguồn vốn hợp pháp khác. Do đầu tư không đồng bộ, nên hiện nhiều công trình chưa được thi công xây dựng, trong khi những công trình đã xây dựng xong đang có dấu hiệu xuống cấp.

Có mặt tại dự án, chúng tôi thấy phần sân đã được lát gạch, nhiều chỗ bị ngập trong nước, có dấu hiệu bong tróc; hệ thống đèn chiếu sáng cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, cột nghiêng, bóng cháy.

Đối với dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê biển, đê cửa sông kết hợp giao thông dọc bờ biển (giai đoạn 2), đoạn qua xã Thạch Kim, có tổng vốn đầu tư trên 148,4 tỷ đồng, theo phản ánh của một số người dân địa phương, nhà thầu thi công ẩu, thi công không đúng kỹ thuật…

Dùng gầu múc ấn ống bị tại dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê biển, đê cửa sông kết hợp giao thông dọc bờ biển (giai đoạn 2), đoạn qua xã Thạch Kim. Ảnh: Ngô Khuyên

 

Phản ánh của người dân là có cơ sở, bởi theo kỹ thuật thi công, khi đặt ống bi (ống đúc bằng xi măng) xuống phải dùng máy múc, múc vừa đủ độ sâu để đặt ống bi xuống. Thế nhưng, nhà thầu chỉ cho máy múc được khoảng 1/2 độ sâu của ống bi rồi dùng gầu máy múc ấn ống bi xuống. Với cách thi công này, nhiều ống bi đã bị nứt, vỡ, dẫn đến không bảo đảm chất lượng công trình.

Khi chúng tôi muốn gặp cán bộ giám sát thi công công trình để phản ánh, thế nhưng đại diện nhà thầu thông báo “chiều nay không có ai giám sát”? Được biết, dự án này do liên danh nhà thầu Cty TNHH Vĩnh Phúc và Cty TNHH Hà Mỹ Hưng trúng thầu.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Ngô Khuyên