Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút, còn làm ô nhiễm môi trường, khiến mọi người xung quanh không hút thuốc cũng mắc những bệnh như người hút thuốc. Vì vậy, một trong những biện pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc đối với những người không hút thuốc là xây dựng các mô hình không khói thuốc, như mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng không khói thuốc.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc giao lưu, ăn uống, công tác, hội họp tại nhà hàng, khách sạn ngày càng trở lên phổ biến, vì vậy việc thực hiện môi trường không khói thuốc là một phần quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, việc đẩy mạnh và nâng cao công tác truyền thông về môi trường không khói thuốc có vai trò rất lớn trong việc nhân rộng mô hình không khói thuốc và nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về môi trường không khói thuốc.

Theo ông Thanh Lâm, thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã, đang tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuy nhiên cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Cụ thể, một số cơ quan báo chí chưa coi đây là nhiệm vụ; vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá. Nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đặc biệt các thông tin chưa đa dạng, đầy đủ, đa chiều.

 


Chính vì vậy hội thảo cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các phóng viên, biên tập viên có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng hơn nữa, đưa thông điệp thực hiện môi trường sống không khói thuốc được lan tỏa mạnh mẽ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện một số đơn vị chia sẻ kinh nghiệm hiệu quả từ thực hiện môi trường không khói thuốc tại một số mô hình.

Chia sẻ về kết quả thực thi môi trường không khói thuốc tại địa điểm giao thông công cộng tại TP. Hồ Chí Minh, ông Hồ Quí Vinh – Trưởng bến xe bus Sài Gòn, Trung tâm quản lý giao thông công cộng cho biết, để giảm hút thuốc lá thụ động tại các địa điểm giao thông công cộng ở TP. Hồ Chí Minh, giảm và tiến tới chấm dứt việc hút thuốc lá trên phương tiện vận tải hành khách, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã triển khai dự án tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc thông qua tăng cường thưởng phạt và sự tham gia của cộng đồng tại Bến xe buýt Sài Gòn và Bến xe Miền Tây. 

Bên cạnh đó, 2 bến xe cũng quy định riêng chỗ hút thuốc lá, đội thực thi hướng dẫn khách đến nơi hút thuốc quy định, tạo trật tự văn minh, không hút tràn lan. Hàng ngày, đội thực thi báo cáo kết quả giám sát. Đối với lái xe, nhân viên phục vụ cũng có những mức xử phạt từ thấp đến cao cho mỗi lần vi phạm hút thuốc nơi công cộng.

Với cách làm này, theo ông Vinh, tại Bến xe buýt Sài Gòn và bến xe Miền Tây, tình trạng người hút thuốc lá thụ động đã giảm hẳn. Để thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa của dự án, 2 bến xe này sẽ đưa quy định cấm hút thuốc vào quy chế nội bộ, thi đua đối với cán bộ, nhân viên (dự kiến hoàn chỉnh và thực thi từ năm 2020).

Tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Y tế, quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm rất quan tâm đến phòng, chống tác hại của thuốc lá. Quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành Y tế - Kinh tế - Công an – Quản lý thị trường – Thú y. Việc cấm hút thuốc đã trở thành nội quy của các cơ sở, nhà hàng, khách sạn.

Dự kiến đến tháng 12/2019, quận sẽ gắn biển phòng, chống tác hại thuốc lá tại tất cả các điểm du lịch, quận sẽ triển khai thực hiện mô hình điểm du lịch không khói thuốc với các tiêu chí: Có nội quy, biển báo cấm hút thuốc, không mua bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá,…

Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm đang triển khai mô hình điểm du lịch không khói thuốc tại 14 điểm di tích lịch sử và 16 điểm văn hóa lớn của quận như: Đền Ngọc Sơn, Nhà Thờ lớn, Nhà Hát lớn, Bảo tàng lịch sử, Nhà tù Hỏa Lò, Thư viện quốc gia… Ngoài việc nhắc nhở, quận cũng áp dụng mức xử phạt đối với người vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng.

Chia sẻ thông tin tại Bệnh viện Bạch Mai, bà Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khảo sát hơn 600 cán bộ y tế tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có đến 31,3% cán bộ y tế hút thuốc lá (đã từng hút và đang hút); trong đó, nam giới chiếm 95,6% và có trình độ sau đại học là 60,72%.

“Trên cơ sở những khó khăn đó, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá với các mục tiêu duy trì hoạt động tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại bệnh viện và 63 tỉnh/thành về tư vấn cai nghiện thuốc lá”,  bà Phan Thu Phương cho biết thêm.

Theo bà Phan Thu Phương, sau khi Ban Chỉ đạo được thành lập, Trung tâm Tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cũng nhanh chóng được ra đời với hơn 20 tư vấn viên tốt nghiệp từ các trường đại học y hàng đầu tại Việt Nam. Các tư vấn viên đều có chứng chỉ về tư vấn cai nghiện thuốc lá và được đào tạo chuyên sâu kỹ năng tư vấn.

Phương Anh