Về phía các bộ, cơ quan ngang bộ, Ngân hàng Nhà nước đạt chỉ số cao nhất với giá trị 89,42. Tiếp ngay sau là Bộ Tài chính. Bộ Giao thông Vận tải, sau hai năm liên tiếp 2013 - 2014 đứng đầu đến năm 2015 đã tụt xuống vị trí thứ 3. Xếp ở 3 vị trí cuối cùng là các Bộ: Khoa học Công nghệ, Công thương và Thông tin Truyền thông. Các Bộ có sự tiến bộ đáng kể là: Y tế, Giáo dục và Đào tạo. 

Về phía địa phương, Đà Nẵng dẫn đầu đạt 93,31 điểm. Hải Phòng duy trì vị trí thứ hai với 92,59 điểm. Tiếp đó Đồng Nai 92,53 điểm. Đứng 3 vị trí cuối bảng trong 63 tỉnh thành là Kon Tum, Cao Bằng và thấp nhất là Điện Biên (74,99 điểm).

Có 5 tỉnh, thành phố có kết quả giảm điểm so với năm 2014 là Hà Nội (giảm 2,42 điểm); Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 0,43 điểm); Vĩnh Phúc (giảm 0,08 điểm); Đắk Lắk (giảm 0,36 điểm); Hưng Yên (giảm 0,69 điểm). 

Có 4 tỉnh có kết quả tăng cao trên 10 điểm, gồm Gia Lai (tăng 10,32 điểm); Vĩnh Long (tăng 12,10 điểm); Hà Nam (tăng 13,35 điểm) và Bắc Kạn (tăng 14,38 điểm). 

Kết quả cụ thể chỉ số CCHC năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ đã cho thấy những nỗ lực, kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện CCHC nói chung của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Giá trị trung bình chỉ số CCHC của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 85,3%, đạt giá trị cao nhất trong 4 năm triển khai thực hiện xác định chỉ số CCHC, cao hơn so với năm 2014 là 8,31% (năm 2014 đạt giá trị trung bình 76,99%).

Theo Bộ Nội vụ, ý nghĩa quan trọng của xác định chỉ số CCHC năm 2015 không chỉ để so sánh giữa bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương với nhau về mức độ CCHC của năm đánh giá mà quan trọng hơn là cho thấy mức độ CCHC của các bộ, các tỉnh so với các năm trước và cả quá trình triển khai thực hiện CCHC giai đoạn I (2011 - 2015).

Bức tranh tổng thể này thể hiện những thay đổi của các bộ, các tỉnh trong công tác chỉ đạo đẩy mạnh CCHC của mình và những thay đổi trong kết quả triển khai trên các nội dung CCHC được ban hành tại Nghị quyết 30c/NQ-CP.

https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gifBùi Bình