Có mặt trên dọc tuyến đường cao tốc Túy Loan - Tam Kỳ, chúng tôi ghi nhận sau đợt mưa lớn kéo dài vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 12, cộng với thủy điện trên thượng nguồn xả lũ ào ạt, đã gây ngập lụt nặng trên địa bàn tuyến cao tốc đi qua như: Thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, TP Tam Kỳ (Quảng Nam)... Theo đó, nhiều đoạn mái taluy dương của đường chưa được gia cố mái đã bị trôi chảy đất, một vài điểm bị sạt lở ở 2 đầu cống thoát nước ngang đường.

Mưa bão cũng làm vách núi bên đường sạt đất, đá trôi xuống mặt đường. Ngoài ra, còn nhiều điểm ta-luy dương thẳng đứng nhưng địa chất là đất và đá chưa được gia cố nên nguy cơ có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.

Tại vị trí Km20+315 thuộc địa phận xã Duy Trinh (Duy Xuyên), tuyến cao tốc đi qua ngọn đồi nhỏ, mặc dù 2 bên mái taluy đã được gia cố bằng hệ khung dầm bê tông cốt thép nhưng cũng bị sói lở; gây hỏng chân khung kè. Cũng tại vách ta-luy bên trái tuyến này đã xảy ra sạt lở làm đất, đá lăn ra đường; rất nguy hiểm cho phương tiện tham gia thông trên đường. Hiện, điểm sạt lở này đã được đơn vị thi công sử dụng xe ủi khắc phục tạm thời, nhưng còn nhiều tảng đá to đang nằm chình ình trên mái ta-luy dương, dễ trượt lăn xuống đường.

Tại lý trình Km31+200 (thuộc địa phận xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn), mưa lớn đã cuốn trôi một phần đất ta-luy dương nền đường, làm hỏng chân trụ của tường hộ lan mềm, phần gia cố đá hộc ¼ nón của mố cống đã vỡ gãy...

Mái dốc ta-luy dương nền đường gần khu vực trạm thu phí thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) xuất hiện nhiều vị trí bị nước cuốn trôi đất, nhất là những vị trí gần mố cầu và những đoạn chưa được gia cố mái ta-luy.

Được biết, đoạn tuyến 65km là giai đoạn 1 của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, xuất phát km0 từ nút Túy Loan (TP Đà Nẵng) và kết thúc tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) được Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiến hành lễ thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm ngày 2/8/2017 vừa qua.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997, tốc độ thiết kế 120km/giờ, với quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe (khi hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe), chiều rộng nền đường 26m; do VEC làm chủ đầu tư.

Một cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công đang sửa chữa khắc phục các điểm bị hư hỏng trong gói thầu thi công của mình cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã làm sạt lở một số điểm chưa được gia cố mái ta-luy, làm sụt lún, hư hỏng tại một số rãnh thoát nước và vị trí hai đầu cống thoát nước ngang. Nguy hiểm nhất vẫn là đoạn đồi núi bị sạt đá lăn xuống đường tại lý trình Km20+315, nếu không có biện pháp hạ độ dốc mái ta-luy thì nguy cơ sạt lở đá có thể tiếp tục xảy ra.

Theo ý kiến của một chuyên gia cố vấn về cầu đường, công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có đặc thù là đất đắp nền đường tương đối cao so với mặt đất tự nhiên, công trình lại mới được đưa vào sử dụng hơn 3 tháng, đất đắp mái ta-luy dương chưa kịp cấu kết, một số đoạn gia cố bằng trồng cỏ chưa ổn định; gặp phải mưa lớn kéo dài, nước lũ dâng cao trong đầu tháng 11 vừa rồi thì không tránh khỏi hiện tượng trôi đất mái ta-luy. Để khắc phục sự cố này thì phải cho bù vá lại, đồng thời tiến hành các biện pháp gia cố chắc chắn hơn, đảm bảo ứng phó được thời tiết có mưa lớn kéo dài.

Cũng theo chuyên gia này, tại những điểm xảy ra sạt lở đất, đá xuống đường rất nguy hiểm, vì tốc độ lưu thông trên đường cao tốc lên đến 120km/giờ, nếu xảy ra đúng thời điểm phương tiện tham gia giao thông trên đường thì hậu quả chưa biết sao. Đối với điểm móng và mái ta-luy dương đã sạt lở một phần, cần có biện pháp khắc phục ngay để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo quan sát của chúng tôi, trên tuyến cao tốc Tam Kỳ đi Quảng Ngãi đang thi công dở dang cũng bị sạt lở nhiều điểm sau mưa lũ, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.

Ngọc Phó