Sáng nay (19/4), Trung tá Đinh Văn Đương - Trưởng Công an phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) xác nhận sự việc trên và cho biết, người bị chó cắn phải nhập viện là bà Lương Thị Dung (65 tuổi), là lao công của trường.

Sự việc xảy ra vào khoảng 19 giờ ngày 18/4, khi đi qua ký túc xá của Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh (đóng bên ngoài khuôn viên nhà trường) để về nhà thì bà Dung bất ngờ bị con chó lai của một nam sinh trong trường lao đến cắn, xé.

Khi phát hiện sự việc, nhiều học sinh trong ký túc xá đã giải cứu bà Dung ra ngoài và đưa tới một phòng khám tại thị xã Hồng Lĩnh để sơ cứu vết thương.

Tuy nhiên, do bị thương khá nặng ở vùng mặt và đầu do bị con chó cắn, xé nên sau khi sơ cứu, bà Dung đã được bác sĩ chuyển ra một bệnh viện ở Nghệ An điều trị trong đêm.

Trung tá Đương cho biết thêm, sau khi tiếp nhận sự việc, Công an phường Đậu Liêu đã đến lập biên bản vụ việc, yêu cầu nam sinh bắt nhốt con chó này lại và báo cáo cho phụ huynh để có trách nhiệm hỗ trợ điều trị cho nạn nhân.

Qua lời khai của chủ nhân, con chó lai này nặng khoảng 15 kg, bình thường được nhốt trong chuồng nhưng do bạn của em này đến chơi thả chó ra nên gây ra sự việc. Hiện lãnh đạo Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh cũng đã ra bệnh viện ở Nghệ An thăm hỏi, động viên nữ lao công của trường.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến chó thả rông cắn người gây thương tích nghiêm trọng.

Vào ngày 17/4, bác sĩ Lê Ngọc Thắng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng đa vết thương vùng mặt, mắt phải, vết thương lóc da đầu do chó nhà lao vào cắn xé.

Bệnh nhi 4 tuổi ở Cẩm Xuyên bị chó nhà cắn trọng thương.

“Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, máu chảy nhiều. Đặc biệt, ở vùng đầu có một vết thương lóc da đầu dài khoảng 15 cm, mặt có nhiều vết xước, mắt phải bị tổn thương vùng mí”, bác sĩ Lê Ngọc Thắng cho biết.

Trước đó, cách đây chưa đầy 1 tuần, tại thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng xảy ra trường hợp 5 người bị “chó điên” tấn công, trong đó có một bé gái 5 tuổi bị nặng nhất với vết thương ở vùng miệng phải khâu 13 mũi.

Bác sĩ Lê Ngọc Thắng khuyến cáo, người dân nên hạn chế nuôi nhốt động vật có nguy cơ mắc bệnh dại. Nếu nuôi phải tuân thủ quy định nhốt, thắt dây an toàn, đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn. Người dân nên hạn chế tiếp xúc với động vật nuôi nhốt, nhất là trẻ em.

Khi bị chó, mèo cắn cần sơ cứu đúng cách và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đủ điều kiện để cấp cứu kịp thời, theo dõi sát tình trạng sức khỏe cũng như theo dõi tình trạng con chó để biết có bị dại hay không. Trong vòng 10 - 15 ngày, nếu con vật cắn người có các dấu hiệu như bỏ ăn, ốm, mất tích hay chết thì phải lập tức đưa bệnh nhân đi tiêm phòng dại.

Đối với những trường hợp vết thương phức tạp, gần thần kinh trung ương thì cần phải sớm tiêm phòng dại và theo dõi con chó trong suốt 10 - 15 ngày. Nếu con chó đó bình thường thì mới ngừng tiêm.

Hải Yến