Tham dự Hội nghị có ông Lê Hồng Quang - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Ông Lê Hồng Quang - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân đã góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc Tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử và cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế thi hành án, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các cơ quan tư pháp, đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. 

Ông Lê Hồng Quang đánh giá cao những kết quả tỉnh Bình Dương đạt được từ tháng 11/2018 đến nay, khi Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Bình Dương đã thụ lý trên 2.880 đơn các loại; giải quyết được 2.677 đơn, đối thoại thành là 1.648 vụ, đạt 87,99%, giúp các Tòa án có Trung tâm hòa giải, đối thoại thí điểm giảm được 1.648 vụ tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính. Trong số 1.648 vụ việc hòa giải, đối thoại thành có 599 vụ các đương sự tự thỏa thuận giải quyết, nên đã giảm số lượng chuyển qua cơ quan Thi hành án dân sự và 1.049 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận nên sẽ được cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên của các huyện, thị trong tỉnh Bình Dương đã nêu một số khó khăn trong công tác xử lý hòa giải như: Một số cá nhân bên ngoài tư vấn, xúi giục cho nguyên đơn khi nộp đơn khởi kiện thì kèm theo đơn từ chối hòa giải tại Trung tâm, và không hợp tác khi hòa giải viên, đối thoại viên mời họ làm việc. Nhiều trường hợp người bị kiện không đến tham dự phiên hòa giải, nên phải mời nhiều lần gây mất thời gian, hoặc người khởi kiện từ chối hòa giải, nên không thể tiến hành hòa giải được. 

Một số đơn khởi kiện, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất khó có thể hòa giải thành, do tính chất phức tạp, số lượng người triệu tập nhiều. Một số vụ việc đã hòa giải thành, nhưng Trung tâm không thể lập biên bản để chuyển sang Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận, vì đất tranh chấp chưa được xem xét thẩm định tại chỗ, chưa đo đạc, chưa có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh diện tích đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất thực tế là phù hợp với nhau; chưa xác minh, làm rõ tài sản trên đất là của ai, nên e ngại sẽ phát sinh các vướng mắc trong quá trình thi hành quyết định. Đối với trường hợp này, các hòa giải viên đã hướng dẫn đương sự tự lập văn bản thỏa thuận với nhau để tự thực hiện và rút đơn khởi kiện.

Kết thúc hội nghị, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương theo dõi sát sao công tác thí điểm này; đề nghị các hòa giải viên, đối thoại viên trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc, quy chế của công tác hòa giải, đối thoại; khảo sát địa hình về những vụ án tranh chấp đất đai; giữ sự bền vững hòa giải, nhất là về lĩnh vực hôn nhân. 

Ông cũng cho rằng cần tuyên dương và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại...

Huyền Trang