Tiền công đức sử dụng ra sao?

Đem những băn khoăn, hoài nghi của các cấp chính quyền TP Uông Bí về việc làm thế nào để minh bạch tiền công đức tại Khu Danh thắng Yên Tử, chúng tôi gặp gỡ đại diện các phật tử, nhóm đạo tràng  tại Hà Nội và TP Uông Bí (Quảng Ninh).

Bà Nguyễn Thị Hội, Đống Đa, Hà Nội cho biết, so với những năm trước 2007,  Khu Di tích Yên Tử ngày càng sạch, đẹp, khang trang. Điều đó, có một phần đóng góp không nhỏ của phật tử cả nước nói chung và Hà nội nói riêng. Bởi, tại một số chùa ở Hà Nội, trước khi xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhà chùa đã huy động được hàng chục tỷ đồng tiền công đức. Bây giờ, nhà chùa vẫn còn lưu giữ số ghi chép công đức đóng góp của mọi người.Cùng với số tiền công đức của Yên Tử, thì mới có thể xây dựng được các công trình Phật giáo đẹp đẽ như vậy.

Ông Nguyễn Văn An, phường Thượng Yên Công, TP Uông Bí cho biết, tôi là người dân địa phương, được thừa hưởng giá trị của di tích. Nhờ tiền công đức của thập phương tín thí, nên khu Danh thắng Yên Tử luôn được trùng tu tôn tạo. Ngoài ra, một số hộ dân trong phường có hoàn cảnh khó khăn, được Ban Tri sự Phật giáo Quảng Ninh thăm hỏi, xây dựng, trao tặng nhà đại đoàn kết, giúp họ ổn định cuộc sống. Nếu không có tiền công đức, thì các sư lấy đâu giúp đỡ chúng tôi.

Chị Vũ Thị Mai, quận 1, TP HCM, cho biết, quản lý công khai, minh bạch tiền công đức là cần thiết, nhưng chính người dân là người giám sát công bằng nhất uy tín của vị trụ trì. Để xây dựng một công trình trên núi Yên Tử, kinh phí bỏ ra tốn gấp 3-4 lần so với các ngôi chùa ở đồng bằng. Vì vậy, với uy tín và đức năng của vị trụ trì, nhiều phật tử cúng dường trực tiếp cho các công trình, chứ không chỉ trông chờ vào tiền công đức.

Đại diện Ban Quản lý Di tích Rừng Quốc gia Yên Tử chia sẻ, là đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn, những năm qua, công tác phối hợp quản lý tiền công đức rất tốt. Cụ thể, tại các đểm ghi công đức luôn có sự giám sát của nhân viên Ban Quản lý. Việc mở hòm công đức theo định kỳ, đều có biên bản ghi chép giữa các bên. Chưa có bất cứ sự cố nào việc quản lý tiền công đức tại Yên Tử. Hằng năm Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh trích lại 4% tiền công đức cho Ban Quản lý bảo đảm công tác phúc lợi xã hội.

Cơ quan quản lý Nhà nước nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí nói: “Trên tinh thần tiền công đức dành hết cho Ban trị sự chi tiêu thực hiện Phật sự và một số nội dung phục vụ cho khu vực Yên Tử. Trước có Ban tôn tạo di tích Yên Tử do Ban trị sự đứng ra, chi tiêu như thế nào Ban trị sự sẽ có đề xuất để chủ yếu công khai minh bạch, chúng tôi không lấy tiền công đức làm gì cả. Nhà sư thì tập trung tu hành, chứ quản lý tiền làm gì?”.

Đại đức Thích Đạo Hiển lại cho rằng vấn đề không phải ở tiền mà ở chủ quyền của người tu hành phải được tôn trọng và pháp luật đã quy định điều này. Sự cúng dàng công đức của phật tử là hình thức tu hành, bố thí; sự tiếp nhận cúng dàng công đức là trách nhiệm của các vị tu hành, hai điều này hòa hợp mới tạo nên phúc đức.

“Tiền công đức cũng là tài sản của tôn giáo. Thay cho việc đề ra quy chế phối hợp giữa các phòng, ban chức năng với các cơ sở tôn giáo, thì UBND TP Uông Bí lại làm thay chúng tôi việc đề ra quy chế chi tiêu tiền công đức. Theo đó, giao cho Ban Quản lý Rừng Quốc gia Yên Tử quản lý toàn diện hòm công đức. Chưa kể, trên địa bàn TP Uông Bí có hàng chục ngôi chùa, nhà thờ, sao không quy định chung mà lại quy định “ưu ái” mỗi Yên Tử”.

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm, Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Để thực thi Luật này có 2 văn bản ban hành dưới luật. Trong Luật đã quy định rõ, tôn giáo có tổ chức, hoạt động nội bộ của tôn giáo.

“Việc UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 489/UB-VX1, ngày 23/1/2017 “về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương về tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh” là chưa phù hợp, cần phải xem lại. Bởi, không thể áp dụng nội dung của tín ngưỡng vào tôn giáo.Tôn giáo là một tổ chức hoạt động độc lập có tư cách pháp nhân, khi xây dựng luật, chúng tôi rất quan tâm vấn đề này. Hơn nữa, Điều 60 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 nói về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tôn giáo có 7 khoản, không có điều khoản nào quy định Nhà nước quản lý tài sản, tiền công đức của tổ chức, cơ sở tôn giáo”, bà Hoa nói.

Các vị trụ trì bất bình Công văn 489 (ảnh) của UBND tỉnh Quảng Ninh

 

Theo TS Phật học Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ:

Thứ nhất, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo  quy định, tài sản của Tôn giáo do Tôn giáo quyết định. Tiền công đức là một phần tài sản của Giáo hội, do bá tánh thập phương tự nguyện đóng góp. Việc cơ quan nhà nước cấp huyện đưa ra quy định quản lý tiền công đức của các chùa trên địa bàn của huyện cần cân nhắc kỹ. Xét ở góc độ  tích cực, quy định đó giúp cho việc sử dụng tiền công đức được  bảo đảm tính công khai, minh bạch. Nhưng bên cạnh đó nảy sinh không ít hạn chế, bới nếu có việc làm đó là chính quyền đang can thiệp vào sử dụng và quản lý tài sản của Tôn giáo (là tổ chức hay cá nhân).

Thứ hai, chính quyền cấp huyện quy định về quản lý tiền công đức của các chùa trong địa bàn là vi phạm tính tự nguyện đóng góp của nhân dân đối với  tôn giáo. Từ xưa tới nay, người tới lễ chùa công đức cúng dường là cúng cho xây dựng, tôn tạo và tổ chức các hoạt động tôn giáo hoặc tôn giáo làm từ thiện chứ không cúng cho các hoạt động khác. Trong bối cảnh nhiều tiêu cực từ quản lý tài chính, kinh tế hiện nay thì quy định quản lý tiền công đức của chính quyền nhằm giảm thiểu tiêu cực, nhưng chính việc đó làm nãy sinh tiêu cực mới khi chính quyền can thiệp quá sâu vào nội bộ và tài sản tôn giáo.

Thứ ba, truyền thống của Phât giáo xưa tới nay đối với tiền, vật chất là thành tâm, tự nguyện, chỉ có người không hiểu biết, xem thường luật nhân quả mới dám lạm dụng tiền tài, vật chất của chùa, của Phât. Vì thế nhà Phật  có câu: "Của Phật lấy một, đền mười".

Vì mọi người đi chùa nhận thức và làm theo nhân quả đó nên có ai dám phạm vào điều ấy đâu. Trong chùa nếu có xảy ra một số  tiêu cực về tiền bạc, trộm cắp thì chỉ mang tính cá biệt ở những người vô minh không biết luật nhân quả. Nếu có việc đó nhân quả sẽ điều chỉnh, xã hội sẽ lên án.

Trong Phật giáo tâm linh chi phối việc sử dụng tiền công đức mới quan trọng. Vị trụ trì nào không trung thực, không thành khẩn, không tốt, thì tín đồ, nhân dân sẽ phát hiện,  không sớm thì muộn sẽ bị dân chê cười, lúc đó, phật tử sẽ không cúng tiền nữa, thậm chí mời đi chỗ khác.  Chính vì thế, với Phật giáo điều chỉnh mang tính tự nguyện tâm linh mới mang lại giá trị đạo đức đích thực.

“Cơ quan, chính quyền cấp nào đi nữa, can thiệp vào quản lý hòm công đức không phải lấy tiền đó để sử dụng, nhưng ở khía cạnh đạo đức, tâm linh là không phù hợp. Hiện tại chúng tôi chưa nhận được văn bản về chính quyền tham gia quản lý tiền công đức ở một số địa phương như phản ánh.Nếu có, tôi sẽ đọc, nghiên cứu các văn bản mà các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ninh ban hành để có ý kiến phù hợp”, ông Dược nhấn mạnh.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết: “Theo quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh những nội dung liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn công đức, tài trợ, cụ thể: Khoản 4, Điều 3 Thông tư số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tính ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch. hính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích”.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về nội dung này.

Thanh Uyên