Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho hay, theo báo cáo khảo sát về Chính phủ điện tử năm 2018 của Liên Hợp Quốc, dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

“Với thế mạnh của dữ liệu điện tử, các nước có thể tạo ra nhiều dịch vụ tiện lợi hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “lấy người dùng làm trung tâm” hay cung cấp thông tin “chỉ một lần””, ông Tuấn nhấn mạnh.

Làm giàu dữ liệu chuyên ngành BHXH

Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 714/QĐ-TTg ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử.

Trong đó CSDL quốc gia về bảo hiểm được xác định là 1 trong 6 CSDL quan trọng để tạo nền tảng cho phát triển chính phủ điện tử.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng, Ngành BHXH đã triển khai tạo lập, bổ sung và hoàn thiện CSDL kết nối liên thông đáp ứng nhu cầu quản lý của Ngành và chia sẻ, kết nối giữa các Bộ, ngành liên quan như Thuế, Y tế, Hải quan, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội...

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của BHXH ngoài đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ và phục vụ người dân, doanh nghiệp còn phục vụ cho việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ, ngành liên quan cũng đã xác định CSDL Quốc gia về Bảo hiểm là một thành phần quan trọng trong kiến trúc Chính phủ điện tử, cùng với 5 CSDL khác (CSDL quốc gia về Dân cư; CSDL Đất đai quốc gia; CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; CSDL quốc gia về Thống kê tổng hợp về Dân số; CSDL quốc gia về Tài chính).

Sau 3 năm triển khai, BHXH Việt Nam với sự phối hợp của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã cập nhật, duy trì, đảm bảo chất lượng và làm giàu dữ liệu để xây dựng một cơ sở dữ liệu chuyên ngành đáp ứng được các yêu cầu mà toàn Ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện.

Cụ thể: dữ liệu nhân khẩu có hiệu lực đã được cấp mã số trong hệ thống CSDL Hộ gia đình tham gia BHYT là 97.404.944 nhân khẩu. CSDL của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do BHXH Việt Nam đang quản lý biến động của 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 488.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 13,11 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp và 85,24 triệu người tham gia BHYT.

CSDL người hưởng hàng tháng (quản lý thông tin người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng với 3,6 triệu người hưởng được quản lý trong cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam, trong đó bao gồm: hưu trí, tử tuất, bệnh nghề nghiệp…). CSDL KCB BHYT với trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh…

Liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

“Những CSDL trên đã giúp ngành BHXH cải cách được thủ tục hành chính, nâng cao được chất lượng phục vụ, góp phần giúp ngành đạt và vượt nhiều mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra”, BHXH Việt Nam thông tin.

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phạm Anh Tuấn

Để khai thác CSDL chuyên ngành BHXH, trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm việc kết nối, chia sẻ thông tin thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai sinh phục vụ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Y tế.

Sau 1 tháng thực hiện thí điểm liên thông dữ liệu tại 13 tỉnh, TP đã có hơn 15.000 trường hợp trẻ em được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT.

Dự kiến đến hết năm 2019, sẽ liên thông dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi cho tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước.

Việc kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (phạm vi đến cấp phường/xã) với Hệ thống CSDL ngành Bảo hiểm (phạm vi đến cấp quận/huyện) là một bước tiến lớn trong công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương so với năm 2018 (kết nối CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp với cổng dịch vụ công trực tuyến của Tổng Cục đường bộ, phạm vi đến các sở GTVT phục vụ TTHC cấp (đổi) biển hiệu, phù hiệu xe ô tô có số lượng giao dịch trung bình là 500 hồ sơ/ngày.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trên cả nước hàng ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới có thể chuyển sang BHXH để cấp thẻ BHYT, chiếm hơn 1% số giao dịch hành chính công giữa công dân với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Được biết, thời gian tới, theo đề xuất của một số chuyên gia, dựa trên nền tảng CSDL của BHXH Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai 2 dịch vụ quan trọng bao gồm: VietInfo là dịch vụ cho phép người dân quản lý, cập nhật bổ sung và sử dụng dữ liệu cá nhân của mình để thực hiện các giao dịch trực tuyến đơn giản và thuận lợi hơn và Dịch vụ kết nối chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế quản lý hồ sơ khám chữa bệnh điện tử, quản lý, phân tích số liệu ngành y tế.

Trần Kiên