Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, việc triển khai xây dựng TP Thông minh (TPTM) là xu hướng chung của thế giới, cũng là yêu cầu phát triển của Đà Nẵng. Từ năm 2014, TP đã đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, tạo nền tảng để triển khai xây dựng TPTM.

Đà Nẵng ban hành Đề án “Xây dựng TPTM hơn”, triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giao thông, môi trường, kiểm soát nguồn cấp nước, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, giáo dục, y tế, chia sẻ dữ liệu... 

Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng ban hành kiến trúc tổng thể TPTM và phê duyệt Đề án “Xây dựng TPTM tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”. 

Đà Nẵng xác định việc xây dựng TPTM không chỉ là công nghệ hoá việc quản lý, điều hành mà còn là dự án động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đà Nẵng đã vạch ra mục tiêu, lộ trình, các công nghệ áp dụng cùng 53 chương trình, dự án trọng điểm với kinh phí 2.200 tỷ đồng. TP đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín như VNPT, FPT, Viettel, VietinBank, SeaBank, BRG. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiếp cận công nghệ, tư vấn từ các chuyên gia; giải pháp của các doanh nghiệp và địa phương. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, bố trí tài chính trong quá trình triển khai.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ngọc Phó

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chúc mừng TP Đà Nẵng được nhận Giải thưởng ASOCIO Smart City 2019 vào tháng 8/2019 vừa qua. Đây là vinh dự ghi nhận và đánh giá cao các nỗ lực của Đà Nẵng trong hành trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành thông minh và đáng sống trong khu vực và trên thế giới.

TP Đà Nẵng hiện đang tập trung vào 3 trụ cột kinh tế chính: Công nghệ cao, du lịch và dịch vụ chất lượng cao và kinh tế biển. Định hướng đến 2045 Đà Nẵng là một đô thị lớn, TPTM và sinh thái, là TP biển đáng sống đẳng cấp trong khu vực Châu Á. TP hiện đã ban hành khung kiến trúc và Đề án TPTM. Mục tiêu đến 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối và đồng bộ với mạng lưới TPTM trong nước và khu vực ASEAN. Ngoài việc kế thừa các cơ sở hạ tầng dữ liệu của Chính phủ điện tử, TP tiếp tục triển khai các ứng dụng thông minh đã triển khai từ 2014. Đến nay, TP đã và đang triển khai 53 dự án chính với kinh phí hơn 2.200 tỉ đồng để triển khai các dự án về TPTM đến năm 2025.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, áp lực của quá trình đô thị hóa đang hiển hiện rõ ràng, với sự ra đời ngày càng nhiều “siêu đô thị”. Theo dự báo của PwC - 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, đến năm 2030, trên toàn cầu 43 TP có từ 10 triệu dân trở lên. Như vậy, hơn cả một xu thế công nghệ, việc xây dựng TPTM chính là một giải pháp nền tảng để đối phó với những áp lực đó, nâng cao sức cạnh tranh cho từng đô thị, từng quốc gia.

Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế -  xã hội, Chính phủ đã chính thức khuyến khích tất cả 63 tỉnh, TP xây dựng TPTM. Đến nay, trên 30 tỉnh, TP đã hợp tác với các đối tác công nghệ để thiết kế và phát triển lộ trình thực hiện TPTM.

Tại Smart City Summit 2019, các giải pháp cho việc xây dựng những TPTM được tập trung thảo luận quanh các trụ cột chính: Quy hoạch đô thị thông minh - xây dựng và quản lý đô thị thông minh - các dịch vụ, tiện ích thông minh và hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa.

Các đại biểu tham quan quầy công nghệ thông tin. Ảnh: Ngọc Phó

Được tổ chức thường niên từ 2017, Hội nghị Thượng đỉnh về TPTM là sáng kiến của VINASA phối hợp với các tỉnh, TP và các tổ chức công nghệ thông tin quốc tế tổ chức thường niên, nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm xây dựng TPTM của các TP trong nước và khu vực. 

Qua đó, hội tụ các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia, tập đoàn công nghệ… đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các TP dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI… đem lại sự thuận tiện cho đời sống nhân dân, an toàn và an sinh xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

 Ngọc Phó