Trước đây, dọc hai bên đường đèo Lò Xo lắp đặt hộ lan cứng (lan can sắt) dễ bị phá hủy khi bị xe đâm vào, phương tiện giao thông cũng hư hỏng nặng.

Theo thống kê, trong thời gian từ đầu năm 2005 đến 2019 trên đoạn đèo Lò Xo xảy ra gần vụ TNGT, làm gần 70 người bị thương và gây hư hỏng các phương tiện. Trong đó, có vụ xe khách lao xuống vực trên đoạn đường đèo hồi cuối tháng 6/2018 làm 3 người tử vong và hơn 10 người bị thương...

Nguyên nhân của đa số TNGT trên đèo Lò Xo xảy ra đối với xe khách và xe tải, do lái xe chưa quen đường, dốc dài, thiếu kinh nghiệm đi đường đèo nên lúng túng khi gặp sự cố. Hơn nữa, đoạn đường này lại có độ dốc lớn (10%) và dài liên tục, nhiều đoạn đường cong, tầm nhìn hạn chế…

Để hạn chế TNGT trên đèo Lò Xo, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống an toàn giao thông như cọc tiêu, biển báo hiệu, hệ thống hộ lan và hệ thống phản quang ban đêm ở tim và 2 bên đường để lái xe dễ nhận biết. Mở nhiều tuyến đường cứu nạn cho xe mất thắng, gặp nạn...

Các cơ quan chuyên môn đã sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất TNGT tại khu vực này và giải pháp bánh xoay an toàn làm hộ lan tại những điểm nguy hiểm hai bên đường được chú ý nhất.

Để xử lý "điểm đen" đèo Lò Xo, theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Kon Tum, đa phần các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều rơi vào đèo Lò Xo.
Ông Hùng đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT với phương án xây dựng tường hộ lan, nghiên cứu xây dựng hộ lan 3 tầng đảm bảo để có thể giữ, giảm tốc khi xe va chạm vào, từ đó giảm việc xe lao xuống vực sâu, các khúc cua ngặt trên đèo cần được bổ sung hộ lan bánh xoay...

Nghĩa là cân nhắc tại một số điểm áp dụng giải pháp thay thế hộ lan cứng bằng hệ thống hộ lan bánh xoay, một công nghệ mới trên thế giới. Bởi vì, khi phương tiện giao thông gặp sự cố tông vào hộ lan bánh xoay sẽ làm giảm thiểu việc phá hỏng hộ lan để xe lao xuống vực; hộ lan bánh xoay còn giúp giảm thiểu hư hỏng phương tiện giao thông khi va chạm.

Tuy đây là giải pháp mới tại Việt Nam nhưng ở nước ngoài lại khá phổ biến, chẳng hạn Hàn Quốc. Việc thi công lắp đặt hộ lan bánh xoay mặt đường, các khúc cua đoạn hầm, cầu vượt ở Hàn Quốc đều được lắp đặt hiệu quả.

Nhiều đoạn đường đèo khúc cua ngặt được lắp đặt hộ lan bánh xoay. Ảnh: NP

 

Hộ lan thùng xoay sẽ chuyển đổi năng lượng sốc thành năng lượng quay để ngăn chặn tai nạn va chạm lần thứ 2 và đưa phương tiện dễ trở lại làn đường, thùng xoay còn có tác dụng hướng xe tai nạn theo hướng di chuyển để ngăn chặn va chạm từ phía sau từ những chiếc xe sau.

Trên thực tế đã có trường hợp phương tiện giao thông bị tai nạn hoặc sự cố va vào hộ lan bánh xoay trên đèo Lò Xo và đã giảm thiểu rất nhiều hậu quả khôn lường.

Trong một chuyến kiểm tra thực tế 27km đèo Lò Xo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chỉ đạo phải hoàn thiện kỹ thuật đảm bảo ATGT, hạn chế rủi ro cho tài xế khi đi trên tuyến đường đèo này. Về kết cấu hạ tầng tại đèo Lò Xo, phải có giải pháp tổ chức giao thông, nâng cấp hệ thống cọc tiêu, biển báo, tăng cường hộ lan tại các vị trí đường cong…

Thứ trưởng giao Cục Quản lý Đường bộ III sớm khảo sát toàn tuyến đèo Lò Xo, hoàn thiện bản vẽ kỹ thuật, có những nơi đưa hộ lan cứng, có nơi đưa hộ lan mềm. Những đường cua có thể tiếp tục cắt, mở rộng tầm nhìn và mở rộng phần “bụng” đường. Bên cạnh đó, bố trí biển báo tại những điểm dừng nhằm khuyến cáo lái xe trước khi lên đèo.

Ngoài những giải pháp giảm thiểu TNGT đã và đang triển khai của ngành chức năng, do các phương tiện chạy tuyến Bắc - Nam và ngược lại khi qua đèo Lò Xo thường vào buổi tối hoặc khuya; là thời điểm tài xế mệt mỏi và buồn ngủ. Vì vậy, các tài xế cần nêu cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông đường bộ, đi đúng tốc độ, làn đường quy định; nhất là trong dịp Tết đến Xuân về có nhiều phương tiện cùng lúc tham gia giao thông; nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, hành khách và phương tiện giao thông…

N. P