CNMT tại gia đình, cộng đồng là mô hình mà người cai nghiện vừa áp dụng các biện pháp để cắt cơn, giải độc, vừa có thể thể sống cùng gia đình, hòa nhập với cộng đồng. Ở đó, người cai nghiện sẽ có được tâm lý thoải mái hơn, có động lực và quyết tâm cai nghiện thành công.

 Tuy nhiên, nhưng thực tế là công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các cơ quan quản lý và các cơ sở cai nghiện với các gia đình có người cai nghiện tại chỗ là chưa tốt. Nhiều gia đình thiếu kiến thức về cai nghiện, nên trong bản thân gia đình đã có mặc cảm đối với hoàn cảnh, kỳ thị người nghiện, khiến cho người nghiện càng thêm mặc cảm, mất đi động lực dể đoạn tuyệt với ma túy; nhiều gia đình dù rất quyết tâm, nhưng lại thiểu kỹ năng nên không biết phải hỗ trợ người nghiện như thế nào để thoát khỏi cơn nghiện … Đây đang là những nguyên nhân khiến cho việc tự cai nghiện tại cộng đồng, gia đình gặp không ít rào cản, không đạt được hiệu quả như mong đợi…

Bản thân người nghiện và các gia đình thường không chủ động hợp tác với cơ quan chức năng để khai báo tình trạng nghiện.

Tại Tp Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy đang có nhiều diễn biến phức tạp, số người nghiện mới có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt là người nghiện ma túy tổng hợp (MTTH) chiếm khoảng 60-70%. Các đối tượng này dễ bị kích động, loạn thần, không làm chủ được hành vi nên không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng và dễ gây ra hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Trong Đề án Đổi mới công tác CNMT, công tác phát triển điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng (ĐTV) được xác định là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm huy động các tổ chức cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng… Tuy nhiên, tại Tp Hồ Chí Minh, chưa nhiều gia đình và người nghiện biết về các ĐTV này. Theo đại diện Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn phường 22, quận Bình Thạnh cho biết, đây là mô hình mới nhưng công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, người nghiện và gia đình chưa thực sự quan tâm, chủ động tìm đến.

Khi mà cộng đồng vẫn còn thái độ định kiến với người nghiện, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người nghiện trong quá trình thực hiện cắt cơn giải độc tại gia đình và cộng đồng… 

Đã có nhiều người nhờ biết đến các Điểm tư vấn mà quyết tâm cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời. Bên cạnh việc được tư vấn về quá trình điều trị nghiện, người nghiện còn được kết nối tham gia nhóm Đồng đẳng hồi gia, nhóm Bạn giúp bạn… những người cùng cảnh ngộ sẽ dễ hiểu nhau hơn, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau quyết tâm vượt qua khó khăn, tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Nhưng thực tế hiện nay, đối với đa số người dân, điểm tư vấn tại cộng đồng vẫn còn xa lạ, những người sử dụng ma túy luôn mặc cảm, tự ti, sự kỳ thị đối với họ rất sâu sắc, vì thế họ luôn tránh né với cộng đồng, xã hội; Đặc biệt khi đến các cơ quan chính quyền, người nghiện luôn lo sợ bị lập hồ sơ cai nghiện, rất ít người tự giác khai báo tình trạng nghiện… Cũng chính vì vậy, quá trình chuyển từ mô hình cai nghiện bắt buộc sang cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vẫn khá nan giải.

Để tăng cường nhận thức về sự cần thiết của việc đổi mới công tác CNMT tại gia đình, cộng đồng, cần phải có kế hoạch, các chương trình  tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức. 

Mặt khác, Ban Chủ nhiệm các Điểm tư vấn cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, định kỳ có tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả hoạt động gửi đến các cơ quan chức năng, từ đó, các cơ quan này mới có cơ sở để đề xuất, cấp kinh phí hoạt động…

Có thể nói, việc CNMT tại gia đình, cộng đồng tuy còn gặp nhiều khó khăn, rào cản, nhưng với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, xã hội và của chính những người quyết tâm cai nghiện, mô hình này sẽ thành công với những kết quả tích cực.

Hoàng Nam