Chiều 11/3, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trao đổi với báo chí làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết HĐND TP đến năm 2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Giảm ô tô bằng biện pháp kinh tế

Theo ông Viện, Nghị quyết trên nêu ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp là phân vùng, hạn chế dần hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030.

Giám đốc Sở GTVT khẳng định, trong đề án nêu không chỉ giảm phương tiện giao thông cá nhân đối với xe máy mà giảm tất cả các loại phương tiện giao thông cá nhân, kể cả ô tô.

Tuy nhiên, theo ông Viện, với ô tô sẽ giảm chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế.

“Đó là tăng phí dịch vụ đỗ xe tại các khu trung tâm, xây dựng đề án thu phí vào một số khu vực trung tâm có khả năng gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, cùng các loại phí khác để người dân có thể thay đổi thói quen lựa chọn phương tiện khi tham gia giao thông một cách có hiệu quả”, Giám đốc Sở GTVT nói.

Theo Viện, khi không dùng sẽ máy nữa, người dân Hà Nội có thể chuyển đổi cho các tỉnh, TP lân cận để sử dụng. Và đi cùng với đó, TP cũng tính đến thời điểm thích hợp sẽ dừng đăng ký xe máy mới tại khu vực các quận nội thành để đảm bảo cho nhân dân cân nhắc khi mua phương tiện giao thông mới.

Cũng theo ông Viện, việc dừng hoạt động xe máy trong điều kiện phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Khi dừng hoạt động xe máy tại các quận thì phải có điều kiện cần thiết, quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng phải phát triển đến được độ tương ứng...

Chuyển đổi thói quen không đơn giản

Giám đốc Sở GTVT cho rằng, để thay đổi thói quen giữa phương tiện cá nhân với phương tiện công cộng là cuộc cách mạng, chuyển đổi 1 thói quen không phải đơn giản mà phải thực hiện đồng bộ bằng các giải pháp, trong đó có cả giải pháp về kinh tế xã hội.

 “Như tôi đã nói, phương tiện vận tải công cộng không bao giờ tiện lợi như phương tiện cá nhân. Người dân có thói quen đi xe máy như đi bộ, 100m người dân cũng đi xe máy, như vậy mất thói quen đi bộ.

Giám đốc Sở GTVT cho rằng, để thay đổi thói quen giữa phương tiện cá nhân với phương tiện công cộng là cuộc cách mạng

Để thay đổi thói quen, thay đổi nếp sống hướng tới dần dần bỏ phương tiện cá nhân và thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng, đòi hỏi người tham gia giao thông vận tải hành khách công cộng phải có hy sinh nhất định vì mục đích chung”, ông Viện nói.

Ông cũng nhấn mạnh, khi cấm hoặc dừng hoạt động xe máy trên tuyến, khu vực nào thì vẫn phải đảm bảo sinh hoạt bình thường việc đi lại của nhân dân ở những khu vực được kết nối một cách thuận lợi.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên 1 số tuyến. Như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi đưa vào thực hiện có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến để dừng hoạt động xe máy là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông.

Trong quá trình hoàn thiện, đề án sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Trước đó, tại cuộc làm việc của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải mới đây, Giám đốc GTVT Sở Vũ Văn Viện cho biết, Sở này đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND TP đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.

Theo ông Viện thì "cấm được xe máy càng sớm càng tốt".

“Không nên lấy quan điểm nhà giàu có ô tô đi phán người có xe máy

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với báo chí, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho hay, ông không hiểu tại sao lại cấm xe máy vì xe máy không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc.

“Một ô tô chiếm mặt đường gấp 5-10 lần xe máy. Vậy tại sao không cấm ô tô mà lại cấm xe máy?”, TS Thuỷ nói và lưu ý,“xe máy là cần câu cơm của hàng vạn gia đình người dân Việt Nam. Trong khi giao thông công cộng mới đáp ứng được 8-10%. Nếu cấm xe máy thì 90% người dân đi bằng gì?”

Chuyên gia giao thông này bày tỏ quan điểm không đồng tình với một số ý kiến cho rằng, lý do cấm xe máy là do xe máy làm bẩn, làm nhếch nhác TP.

“Không nên lấy quan điểm của nhà giàu có ô tô mà đi phán người có xe máy”, ông Thuỷ nói và nhấn mạnh, phải trả lời được câu hỏi: tại sao lại cấm xe máy mà không cấm ô tô, trong khi giao thông công cộng còn yếu kém, đường không thông, hè không thoáng.

“Bao giờ giao thông công cộng đảm đương được trên 40% thì lúc đó mới dùng đến biện pháp hạn chế xe máy. Hạn chế chứ lúc đó cũng không phải là cấm”, TS Thủy nêu và khẳng định, phương tiện cá nhân vẫn là phương tiện quan trọng của hệ thống giao thông TP chứ không có nghĩa giao thông TP là chỉ có giao thông công cộng.

Lấy dẫn chứng ở các nước châu Âu, ông cho biết có 30-40% người dân vẫn đi ô tô, xe máy. “Xe máy không bao giờ cấm được, xe máy sẽ hoạt động đến năm 2100. Trong TP vẫn có 5-10% người dân đi xe máy, tùy theo điều kiện sống vì xe máy đi rất năng động, hợp lý. Lúc đó xe máy sẽ tốt hơn như xe máy điện và người dân có đời sống cao hơn sẽ đi ô tô, tàu điện ngầm, đi giao thông công cộng nhiều hơn”, ông Thuỷ nhận định về tương lai.

Tuy nhiên, theo ông, thời gian tới, có thể tuyên truyền người dân giảm bớt đi xe máy với đoạn đường ngắn vài trăm mét. “Sau này ô tô sẽ nhiều lên, xe máy sẽ ít đi, đó là quy luật, xu thế, chứ không phải bắt ép người dân vì còn nhiều người nghèo lắm”, TS Thuỷ chia sẻ.

Hương Giang