Chiều ngày 19/3, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện làm rõ các thông tin liên quan đến việc cấm xe máy trong nội thành.

Ùn tắc giao thông như thảm họa

Theo ông Viện, ùn tắc giao thông là vấn đề của thời đại, không phải chỉ Việt Nam. Trên thế giới, ngay cả ở TP hiện đại, có cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống giao thông tốt vẫn có chuyện “đi đoạn đường 40 km mất đến 4-5h”.

Cho nên, ngay từ năm 2008, Chính phủ đã có ban hành nghị quyết đề xuất các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Giám đốc Sở GTVT cho biết, trong nghị quyết này, có giải pháp phát triển phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân, tổ chức giao thông hợp lý.

“1 trong những nhiệm vụ là cấm mô tô, xe máy, ô tô lưu thông trên 1 số tuyến phố và giờ nhất định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”, ông Viện nói và nhấn mạnh, việc Hà Nội triển khai thực hiện cấm xe máy ở các quận nội thành không mới, thậm chí còn “rất chậm” so với chỉ đạo của Chính phủ.

Trưởng ngành GTVT TP Hà Nội nói tiếp, ùn tắc giao thông xem như thảm hoạ.

“Thấy thảm hoạ mà không làm gì thì thấy có lỗi với nhân dân và thế hệ mai sau”, ông Viện nêu quan điểm, đề án “phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” là góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Đề án này đang trong quá trình triển khai, xây dựng nên có rất nhiều ý kiến khác nhau, song chủ trương này đã được HĐND thông qua.

Trước câu hỏi của báo chí tại sao cấm xe máy, ô tô lại không? Ông Viện khẳng định, tất cả các phương tiện cá nhân đều hạn chế, không chỉ riêng xe máy.

Cũng theo ông Viện, Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đã nêu rõ, việc dừng hoạt động xe máy ở các quận nội thành phải có lộ trình, giảm dần từng bước, chứ không phải “đùng phát đến năm 2030 là dừng”.

Cấm xe máy không phải "thích thì làm"

“Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không phải tự nêu việc này, thích thì làm, mà có chủ trương phù hợp với yêu cầu quản lý của xã hội”, Giám đốc Sở GTVT nêu và cho rằng, đây là chủ trương đúng, nhưng thực hiện khó hơn rất nhiều.

 “Tôi biết khó lắm, đụng chạm lắm nhưng nhiệm vụ phải làm. Chúng tôi mong muốn sớm nghiên cứu việc này, không phải để đưa ra gây khó cho dân mà đưa ra để nhân dân biết, cùng bàn bạc và có lộ trình”, ông Viện nhắc lại, “không phải ngày mai đã cấm, mà đang trong lộ trình thực hiện”.

Theo ông Viện, để thực hiện phải bảo đảm “mấu chốt” là có hạ tầng, đáp ứng yêu cầu hệ thống giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Ngay việc cấm tuyến nào, khu vực nào cũng phải khảo sát rất kỹ càng. Và mọi vấn đề đang trong quá trình nghiên cứu, chưa quyết định.

“Chúng tôi sẽ thực hiện đúng các quy định của luật, công khai minh bạch, đảm bảo vì lợi ích chung, không có lợi ích riêng”, Giám đốc Sở GTVT cam kết.

Tuy nhiên, theo ông Viện, khi thảo luận các đề án “chúng tôi cũng nói, lựa chọn phương tiện giao thông là quyền của mỗi cá nhân, nhưng phải phù hợp với lợi ích chung chứ không phải chúng ta thích là đi”.

“Nếu các bạn đi mua gà chẳng hạn, sẽ không đưa được lên phương tiện công cộng, nhưng có thể dùng phương tiện khác, ít tiền thì đi xe đạp, nhiều tiền thì đi taxi. Như vậy, không thiếu phương tiện để người dân lựa chọn”, ông Viện nêu ví dụ.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, người dân phải chấp nhận một số quy tắc ứng xử phù hợp với yêu cầu của đô thị văn minh hiện đại và vì lợi ích chung của nhân dân.

“Không ở đâu khó làm giao thông công cộng như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường khẳng định, Hà Nội đang đi đúng hướng trong 3 giai đoạn hạn chế phương tiện cá nhân. Giai đoạn 1 là ưu tiên nguồn lực để phát triển hành khách công cộng, để cải thiện hạ tầng cho người đi bộ và các luồng phương tiện. Đây gọi là giai đoạn mua thói quen của người dân đi phương tiện công cộng. Giai đoạn 2 là kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân, giai đoạn 3 mới chuyển sang hạn chế, tiến tới dừng sử dụng nếu đủ điều kiện...

“Không ở đâu khó làm giao thông công cộng như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bởi vì người dân ở các TP này không thiếu phương tiện đi lại, nhưng cơ cấu nó không hợp lý dẫn đến vấn đề hạ tầng không đáp ứng nổi”, ông Trường nói.

Hương Giang