Chiều ngày 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp (đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, ông Ngô Hải Phan, 3 thủ tục trong lĩnh vực tư pháp trên có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

“Tần suất thực hiện các thủ tục thủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn”, ông Phan nói.

Ông Phan dẫn chứng, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2019 đã đăng ký khai sinh hơn 2 triệu trường hợp; gần 560 nghìn yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp và hơn 710 nghìn hồ sơ thực hiện biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm.

“3 thủ tục trong lĩnh vực tư pháp đã đi rất xa trong ứng dụng công nghệ"

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, 3 thủ tục trên đã đi được rất xa trong ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, đăng ký giao dịch bảo đảm đã cung cấp dịch vụ công ở cấp độ 4, rất nhanh, rất hiệu quả đáp ứng yêu cầu thị trường. Đăng ký khai sinh cho trẻ đã triển khai ở 60 tỉnh, thành rất thuận lợi. Cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng đi tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) và 63 trung tâm ở các tỉnh, thành.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, với dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Trung tâm của Bộ thì việc tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia chỉ còn vấn đề kỹ thuật. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Với việc đăng ký khai sinh, ông Ngọc cho biết, Bộ Tư pháp chỉ quản lý Nhà nước, không thực hiện trực tiếp.

“Toàn bộ cấp giấy khai sinh nằm ở cấp xã, cấp huyện (nếu có yếu tố nước ngoài). Nếu kết nối với Bộ Tư pháp thì gián tiếp chứ không phải trực tiếp. Cho nên kết nối với cổng dịch vụ công của cấp tỉnh để thông tin chạy trực tiếp vào hệ thống của chúng ta thì rất tốt”, ông Ngọc đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc

Còn dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm, theo ông Ngọc, Bộ Tư pháp thực hiện với động sản (trừ tàu bay, tàu biển thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải). Nhưng toàn bộ thiết kế từ năm 2000 đến nay là thuộc bản quyền của Ngân hàng Thế giới.

Chính vì vậy, Bộ Tư pháp chưa thể trả lời về việc kết nối dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm lên cổng dịch vụ công quốc gia. Ông Ngọc đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến tháo gỡ. Nếu được thì chắc chắn việc kết nối không có khó khăn vì hiện hệ thống đang chạy rất tốt. 

Nghe vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, sẽ làm việc với Ngân hang Thế giới về vấn đề này này để làm sao chuyển giao bản quyền lại cho Việt Nam, cho Bộ Tư pháp.

“Thành công, người dân sẽ cực kỳ phấn khởi”

Đồng ý phải đẩy nhanh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, bình quân 1 ngày tại Sở có khoảng 1.000 người đến nộp hồ sơ và 400 người nhận hồ sơ nên áp lực lớn.

“Chỉ riêng việc phát khẩu trang cho anh em đến giao dịch với bộ phận một cửa cũng đang khó khăn. Chánh Văn phòng bảo tôi cứ 4 tiếng 1 lần phun CloraminB, nửa tiếng một lần lau chùi nhà vệ sinh và tay nắm cửa. Xe ô tô đã yêu cầu khử trùng nhưng chưa làm được”, ông Tuấn nói.

Theo ông Mai Tiến Dũng, hiện nay các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, về bảo vệ thông tin cá nhân… chưa được ban hành. Nhưng tinh thần là tận dụng tối đa những gì chúng ta có, không chờ đợi.

“Chúng ta tích cực làm mạnh mẽ, quyết liệt, lấy cải cách hành chính là dẫn dắt và công nghệ thông tin là phương tiện. Nghĩ khác đi thì hỏng”, Bộ trưởng nói.

Với 3 lĩnh vực tư pháp, theo ông Dũng, nếu có khó khăn, vướng mắc thì sẽ cùng tháo gỡ. “Thực hiện thành công, người dân sẽ cực kỳ phấn khởi”, Bộ trưởng nói và giao Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các tỉnh, TP để đẩy nhanh tiến độ để giảm thời gian, thủ tục thực hiện.

Hương Giang