Ông Hà Văn Thắng cho biết, nghi lễ cấp sắc của người Dao mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc; thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc; thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa có thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm (tên để thờ cúng tổ tiên) nên chưa được coi là người trưởng thành. Người đã qua cấp sắc, dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng. Họ quan niệm đàn ông có trải qua lễ cấp sắc mới có đủ phẩm chất đạo đức, biết lẽ phải trái ở đời, có thể trở thành thầy hữu ích cho cộng đồng, người dân và đặc biệt sau này khi mất đi hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên.

Ở Lào Cai có 3 nhóm người Dao sinh sống: Dao họ, Dao tuyển và Dao đỏ. Tuy nghi thức và nội dung tổ chức lễ cấp sắc của mỗi nhóm người Dao có những đặc điểm khác nhau, nhưng đều mang một ý nghĩa chung là đón rước tổ tiên và thỉnh Ngọc Hoàng và các thánh (treo tranh ảnh thánh) về chứng kiến các thầy cấp sắc cho các học trò, để học trò được trở thành người trưởng thành.

Đối với người Dao đỏ, các con trai khi đã lập gia đình mới được cấp sắc, đối với người Dao họ và Dao tuyển, họ làm cấp sắc cho con trai từ 9 tuổi trở lên, mỗi lần cấp sắc chỉ tổ chức đón thầy cấp cho 1-2 con trai, trong khi đó người Dao đỏ cấp sắc cho vài chục cặp vợ chồng một lần (số cặp được cấp sắc phải là số lẻ, người Dao đỏ quan niệm số lẻ là số sinh sôi, phát triển). Thời gian tổ chức lễ cấp sắc kéo dài từ tháng 10 âm lịch năm trước cho tới tháng 2 âm lịch năm sau.

Sau khi thầy cúng làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang, nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp. Ảnh: Trần Quý

 

+ Xin ông cho biết ý nghĩa lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Lào Cai?

- Ông Hà Văn Thắng: Lễ cấp sắc nhằm mục đích, ý nghĩa để người đàn ông chính thức được tổ tiên công nhận là người đàn ông trưởng thành. Trưởng thành ở đây với ý nghĩa là người hiểu biết, là thầy có thể đi làm thầy giúp đỡ cho các gia đình khác, để làm những công việc tốt cho bản thân cũng như đối với người dân trong cộng đồng. Khi đã trải qua cấp sắc, các học trò được thầy cấp đèn, cấp quân âm binh, cấp tên âm, cấp dấu,…

Đối với người Dao đỏ, họ chỉ cấp sắc khi người con trai đã lập gia đình, tùy theo cấp bậc mà số lượng quân binh được cấp cho chồng, vợ là khác nhau. Cấp sắc 3 đèn, đàn ông được thầy cấp cho 36 quân âm binh, vợ được cấp 24 quân âm binh; cấp sắc 12 đèn, chồng được cấp 120 quân, vợ được cấp 60 quân âm binh. Số quân âm binh luôn theo để bảo vệ người cấp sắc, đối với người phụ nữ Dao đỏ thì quân âm binh chỉ có ý nghĩa bảo vệ mình và con cái, họ không trở thành thầy.

+ Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Lào Cai có nghi thức và nội dung tổ chức như thế nào, thưa ông?

- Ông Hà Văn Thắng: Nghi thức và nội dung tổ chức lễ cấp sắc của mỗi nhóm người Dao tuy có những đặc điểm khác nhau, nhưng đều mang một ý nghĩa chung là lễ trưởng thành cho những người đàn ông trong gia đình. Căn cứ vào gia phả của từng họ người Dao đỏ để biết được dòng họ đó tổ chức lễ cấp sắc ở cấp bậc nào, cấp thấp nhất là cấp sắc 3 đèn, 7 đèn và cao nhất là đại lễ cấp sắc 12 đèn. Số lượng đèn được cấp phản ánh cấp bậc làm thầy của học trò, học trò được cấp sắc ở bậc nào làm thầy ở cấp bậc đó. Vì thế, thời gian tổ chức ở mỗi cấp bậc có dài ngắn khác nhau, thường từ 3 - 7 ngày.

Các trò đang thực hiện các nghi thức lễ cấp sắc. Ảnh: Trần Quý

 

Đại lễ cấp sắc 12 đèn là cấp bậc cao nhất, họ sử dụng 12 thầy chính và nhiều thầy phụ, mỗi thầy giữ một nhiệm vụ khác nhau nhưng chung mục đích là truyền lại toàn bộ các phép, quân binh, đạo đức... của mình cho các học trò. Các học trò phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao. Người đã được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng nhất, sẽ trở thành "sư phụ", là thầy cúng cao, đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng. Đối với người Dao nói chung, cấp sắc không chỉ có sự tham gia của gia đình dòng họ, mà còn có sự tham gia chứng kiến của cộng đồng, người dân.

So với các nhóm người Dao khác, diễn trình nghi lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở Lào Cai có quy mô, số lượng thầy cũng như nhiều nghi lễ độc đáo.

Mở đầu là lễ đón thầy “Chíp sài tía”, đây là nghi lễ thể hiện sự tôn kính của học trò đối với các thầy đến làm lễ cấp sắc; tiếp đến là lễ trình báo đón tổ tiên, mời thần thánh về chứng kiến dự lễ cấp sắc: Lễ vật dâng cúng gồm có thịt lợn, rượu và cơm...; lễ trình diện của những học trò được thụ lễ và nhiều nghi lễ khác được tiến hành theo trình tự thầy chính đã đặt ra; múa thỉnh mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến; lễ trình diện tổ tiên; lễ xin treo tranh nhỏ…

Một nghi lễ quan trọng khác là đón thầy đến thụ lễ, truyền phép, cấp giấy chứng nhận... Trong lễ đón thầy, hay còn gọi là "lễ rước cha", đón đủ 12 thầy và 6 đồ đệ của thầy, thầy to nhất được đón trước, lần lượt theo thứ tự đón từ thầy cao đến thấp. 

Qua rất nhiều các lễ nhỏ liên tiếp nhau, mỗi lễ mang một nội dung và ý nghĩa sâu sắc cho việc cấp sắc, thầy làm cầu nối dẫn trò đi lên dương, xuống âm. Các học trò múa quanh đàn lễ (lập bên ngoài nhà), dẫn dắt học trò đi quanh chân cột của đàn lễ để xua đuổi thú dữ, xua đuổi cái xấu để các trò được an toàn, trọn vẹn, để lễ cấp sắc thành công, gia chủ yên ổn phát triển.

Những động tác múa kiếm, múa búa, múa cờ hòa theo nhịp điệu trống, chiêng rộn rã chính là những hình ảnh tiễn thánh về trời, kết thúc lễ cấp sắc người Dao đỏ. Nghi lễ này mang đậm sắc thái văn hóa tâm linh.

Các trò thực hiện các nghi lễ tế đàn trời. Ảnh: Trần Quý

 

+ Để giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao nói chung và người Dao sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cần có những giải pháp nào, thưa ông?

- Ông Hà Văn Thắng: Đồng bào dân tộc Dao là dân tộc có số dân đông thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Cộng đồng dân tộc Dao đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, kiến trúc làng bản, nhà ở, ẩm thực, trang phục truyền thống, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… 

Song, hiện nay, các bản sắc văn hóa của người Dao đỏ, Dao tuyển và Dao họ, do chịu nhiều tác động ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, nên đã và đang dần bị mai một.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có dân tộc Dao nói riêng trên cả nước và ở Lào Cai, đã thu được những kết quả nhất định. Đã xuất hiện một số mô hình phối hợp về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Dao về tiếng nói, dạy chữ Nôm Dao, văn học, nghệ thuật, khôi phục nghề truyền thống, các phong tục, lễ hội tiến bộ, các làn điệu dân ca, dân vũ… 

Để tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Dao, cần tập trung vào một số nội dung như: Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Dao; phát huy vai trò của cộng đồng người Dao, khuyến khích họ tham gia tích cực trong công tác giữ gìn, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao; tổ chức sưu tầm, kiểm kê các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Dao như hát Páo dung, chữ Nôm Dao, lễ cấp sắc, lễ cúng rừng (Khoi kìm), xây dựng đề án, kế hoạch về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao.

Định hướng và vận động cộng đồng dân tộc Dao gắn việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch; Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc Dao…

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Trần Quý (Thực hiện)