Tình huống đặt ra là, xe ô tô 7 chỗ đi tốc độ nhanh và bị mất lái đã va chạm với 2 xe máy cùng chiều, 1 người bán hàng rong cùng 3 người khách đang mua hàng đã làm hàng loạt người ngã ra đường và bị thương.

Ngay sau khi nhận được tin báo có tai nạn xảy ra, các tình nguyện viên chữ thập đỏ đã kịp thời có mặt, thực hiện các thao tác cứu thương cho những người bị thương với các trường hợp: Ngừng thở, ngừng tim, chấn thương cột sống, gãy kín xương đùi... Sau đó, các nạn nhân đã được xe cứu thương đưa đến các trung tâm y tế gần nhất để điều trị.

Hoạt động diễn tập nhằm giúp mọi người nâng cao ý thức sơ cấp cứu, khả năng xử lý tình huống tai nạn giao thông tại cộng đồng và sự phối hợp của các lực lượng chức năng.

Nạn nhân được sơ cấp cứu tại chỗ. Ảnh: Ngọc Phó

Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), năm 2018 cả nước có hơn 1,2 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích, trong đó có 9.745 trường hợp tử vong. Các nguyên nhân tử vong chủ yếu do tai nạn giao thông (chiếm 47,91%), đuối nước (12,31%), tự tử (11,45%), tai nạn lao động (6,81%).

Ngày Sơ cấp cứu thế giới được tổ chức vào ngày thứ 7 tuần thứ 2 của tháng 9 hàng năm. Ngày Sơ cấp cứu thế giới do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phát động lần đầu tiên vào năm 2000 nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong phòng tránh tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng xảy ra hằng ngày hoặc trong các tình huống khẩn cấp.

Hàng năm, có khoảng hơn 100 Hội Chữ thập đỏ các quốc gia trên toàn thế giới tham gia kỷ niệm Ngày Sơ cấp cứu thế giới. Đến nay, các thành viên trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tham gia hưởng ứng với nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao.

Đưa nạn nhân vào các trạm y tế để tiếp tục chữa trị. Ảnh: Ngọc Phó

Chủ đề Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm nay là “Sơ cấp cứu cho những người dễ bị tổn thương” với các thông điệp: “Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo”, “Sơ cấp cứu, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt những người dễ bị tổn thương đều có thể học sơ cấp cứu và tham gia cứu người”.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An kêu gọi mọi người ý thức, trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu để giúp mình và hỗ trợ cứu sống những người xung quanh trong các tình huống khẩn cấp, điều đó góp phần làm giảm thiểu rủi ro, tăng cơ hội sống khỏe mạnh cho mỗi người dân, tạo nên một cộng đồng an toàn, trợ giúp lẫn nhau trong mọi tình huống.

Ngọc Phó