Trước đó, ngày 9/7, tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự thảo Luật Lực lượng trị an cơ sở, Bộ Công an đề xuất công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ nên được tiếp tục bố trí tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn xã - nơi đã bố trí công an xã chính quy.

Bộ Công an đề nghị đổi tên gọi công an xã bán chuyên trách thành "trị an viên" để phân biệt với các công an xã chính quy do sĩ quan, hạ sĩ quan công an đảm nhiệm.

"Việc quy định theo hướng này sẽ giúp giải quyết chế độ, chính sách cho lực lượng công an xã bán chuyên trách trước đây" - dự thảo báo cáo nêu.

Lực lượng trị an viên có trách nhiệm phối hợp tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự theo sự chỉ đạo, lãnh đạo, hướng dẫn của lực lượng công an xã chính quy.

Theo Bộ Công an, việc bố trí công việc cho lực lượng trị an viên về cơ bản không làm tăng thêm kinh phí từ ngân sách địa phương bởi chi trả vẫn như cũ. Mỗi tháng một trị an viên hưởng phụ cấp tương đương 1,49 triệu đồng.

Trung bình một tháng kinh phí để chi trả tiền phụ cấp cho 126.566 trị an viên (tổng số phó trưởng công an xã, công an viên bán chuyên trách trước đây) là khoảng 188 tỷ đồng. Chia ra, một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi trả 3 tỷ đồng một tháng.

Ngoài chế độ phụ cấp hằng tháng, một số chế độ, chính sách khác đang áp dụng với công an xã vẫn tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với mức 253.000 đồng/tháng; trợ cấp ngày công lao động tăng thêm khoảng 119.000 đồng/tháng.

Theo Bộ Công an nếu đề xuất được thông qua, chi phí, phụ cấp cho lực lượng trị an viên khoảng 2.256 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, toàn quốc có gần 14.000 phó trưởng công an xã, thị trấn và 113.000 công an viên không phải là công an chính quy (tổng 126.566).

Đến đầu năm 2019, các địa phương đã bố trí khoảng 3.000 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, trong đó có 1.133 trưởng công an xã, gần 650 phó trưởng công an xã và hơn 1.200 công an viên.

Bình Yên