Đề xuất mới nhằm thu hút người lao động đến với chính sách BHXH tự nguyện, thông qua việc bổ sung chế độ thai sản, ốm đau và trợ cấp gia đình/trẻ em.

Trong đó, gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản, Bộ LĐTB&XH đề xuất thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất), bổ sung thêm quyền lợi về thai sản khi người lao động sinh con.

Người lao động khi tham gia sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH một lần.

Theo Bộ LĐTBXH, gói bảo hiểm này có thể đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Dù vậy, gói này sẽ khó cân đối về tài chính nên cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và không đảm bảo sự tham gia lâu dài, bền vững do có thể phát sinh lựa chọn ngược.

Tiếp đến, là gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau. Theo đó, ngoài chế độ hưu trí và tử tuất, người tham gia sẽ được hưởng các chế độ khi gặp rủi ro ốm đau (tối đa 30 ngày trong 1 năm) với điều kiện đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.

Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em. Gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ 6 tuổi) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.

Bên cạnh những ưu điểm, Bộ LĐTBXH cũng cho biết đây là chính sách mới, phức tạp nên trong qua quá trình nghiên cứu vẫn sẽ phát sinh những tồn tại, vướng mắc.

Để có cơ sở phân tích, đánh giá tác động cụ thể, toàn diện hơn, dự báo được chính xác số người tham gia, thụ hưởng và nguồn kinh phí cần thiết đảm bảo cho các gói BHXHi tự nguyện ngắn hạn linh hoạt theo đề nghị của các bộ, ngành thì cần thiết phải có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện Đề án.

 T.Kiên