Hội thảo tập trung thảo luận 03 nhóm vấn đề chính: Làm rõ vai trò của năng lượng và việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đánh giá tổng quan ngành Dầu khí Việt Nam sau 60 năm thực hiện ý nguyện của Bác Hồ (23/7/1959 - 23/7/2019), trong đó làm rõ vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc ngành Dầu khí và các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: TQ 

Trên cơ sở làm rõ những cơ hội, thách thức, tồn tại, bất cập trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của ngành Dầu khí, Hội thảo đề xuất những định hướng, giải pháp và kiến nghị cụ thể đối với Đảng, Nhà nước trong việc xác định vị trí, vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và xu hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh dầu khí là nguồn tài nguyên quý giá, không thể tái tạo và không thể thiếu đối với mọi quốc gia, dầu khí ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế toàn cầu và là công cụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TQ 

Cùng với than, thủy điện, dầu khí là nguồn năng lượng chính bảo đảm cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành Công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.

“Có thể khẳng định rằng, qua 60 năm không ngừng nỗ lực từ những sơ khai ban đầu để xây dựng và phát triển được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu và phân phối tiêu thụ, ngành Dầu khí đã thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ, chiến lược của Đảng và Nhà nước, trở thành biểu tượng năng lượng cho phát triển đất nước” - ông Trần Sỹ Thanh phát biểu.

Dầu khí giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: TQ

Thực tế cho thấy, ngành Dầu khí đang đóng góp quan trọng về dầu, khí, điện vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Liên tục nhiều năm liền, ngành Dầu khí đóng góp cho tăng trưởng GDP với tỷ trọng trên 20%, chiếm trên 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kể cả trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì ngành Dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, ông Trần Sỹ Thanh cũng thẳng thắn nêu một thực tế hết sức đáng ngại là các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết 41-NQ/TƯ ngày 23/7/2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 nhưng đến nay, sau gần 4 năm thực hiện vẫn chưa có các giải pháp, chính sách cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Theo Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh, thách thức lớn nhất cho đến nay là PVN vẫn chưa được phê duyệt quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ PVN nên hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và rất dễ dẫn tới các sai phạm. Đặc biệt, cơ chế tài chính cho công tác khoan thăm dò dầu khí còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, dẫn đến việc gia tăng trữ lượng gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là mối lo lớn nhất cho việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TQ 

Cùng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, vấn đề khó khăn lớn nhất chính là phải có cơ chế tài chính rõ ràng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí bởi đây là hoạt động nhiều rủi ro và rất tốn kém.

Theo Viện Dầu khí Việt Nam, với những dự báo về tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam khoảng 5,1%/năm trong giai đoạn  2016-2025 và 4,2%/năm giai đoạn 2026-2035, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp.

Hội thảo đã thu hút 40 bài tham luận, những ý kiến đóng góp nhằm làm sáng tỏ hơn những vấn đề xung quanh an ninh năng lượng, việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đặc biệt làm cơ sở kiến nghị bổ sung vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng những nội dung về vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ở Việt Nam.

TQ