Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 11/9, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn thông tin về vị trí đặt ga ngầm C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2) ở hồ Gươm.

Theo ông Tuấn, ga C9 là 1 trong 10 ga của giai đoạn 1 tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được xác định trong quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô. Các quy hoạch này đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Giả thiết không đặt ga C9 ở đây thì tuyến phải dịch chuyển. Mà tuyến dịch chuyển thì ảnh hưởng tới cả quá trình liên tuyến từ TP Hà Nội cũ đến TP Hà Nội mở rộng của các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói.

Xung quanh vị trí đặt ga C9, hiện có hai quan điểm trái chiều. Theo ông Tuấn, có quan điểm cho rằng, vị trí này ảnh hưởng đến không gian của hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Nhưng cũng có quan điểm nhận định, đây là nơi hội tụ, vì vậy cần đặt ga ngầm để người dân đi - về thuận lợi, góp phần phát huy giá trị cộng đồng, giá trị di tích.

Trước ý kiến của các chuyên gia nên “dịch chuyển ga sang khu vực khác”, theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm là “bất khả thi”.

“Đôi khi, mô hình công thức của tuyến đường sắt đô thị còn có bán kính phục vụ của ga. Như, ga C9 có bán kính quét 500m phục vụ xung quanh. Do vậy, đưa ra khu vực khác là bất khả thi trong tổ hợp cấu trúc của 10 tuyến đường sắt Thủ đô Hà Nội, trong đó có 8 tuyến chủ đạo, 2 tuyến nhanh”, ông Tuấn nêu.

Cũng theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng thuận đặt ga C9 ở vị trí này. Bộ chỉ có khuyến cáo nhỏ là dịch chuyển ga ngầm khoảng 15 - 20m so về phía trụ sở cơ quan điện lực để tránh ranh giới di tích quốc gia (tính từ mép vỉa hè đường Đinh Tiến Hoàng chiếu xuống). 

"Khuyến cáo dịch như vậy để tránh Tháp Bút”, ông Dương Đức Tuấn chốt lại.

Theo thiết kế phương án Hà Nội lựa chọn, hầm nhà ga ngầm C9 cách chân Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân Tháp 1m. Thân ga (dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Gươm.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Gươm 10m, tới Tượng đài Cảm tử 81m, tới đền Bà Kiệu 83m, tới vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ 120m, tới Tháp Bút 36m. 

Nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.

Đề xuất mở rộng không gian đi bộ về phía Đông hồ Hoàn Kiếm

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm không gian đi bộ (từ ngày 1/9/2016 đến ngày 1/9/2018) đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô.

Không gian đi bộ cũng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, tham gia rất đông. Trung bình ban ngày có khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 đến 2 vạn người, những thời điểm có sự kiện lớn thì có trên 3 vạn người. Đi cùng với đó, thu ngân sách trên địa bàn quận này năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số việc các đơn vị chậm triển khai như: Thả chim bồ câu, lắp đặt hệ thống camera giám sát xung quanh không gian đi bộ… Một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải.

Trước mắt, quận này đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép triển khai ngay tuyến phố đi bộ tại phố Đinh Liệt từ ngày 10/10 tới đây, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng không gian đi bộ về phía Đông khu vực hồ Hoàn Kiếm để kết nối khu vực Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam…

 Hương Giang