Chiều 15/10, Hà Nội chính thức thông tin kết quả xác minh nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã nói rõ, nước sạch sông Đà không đảm bảo chất lượng. Theo đó, nước sạch có mùi và styren có nồng độ cao hơn nên không đảm bảo chất lượng.

Thông tin mới nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.

UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình phải giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.

Cũng trong ngày 15/10, TP Hà Nội khuyến cáo, trong thời gian trước mắt, khi Viwasupco chưa xúc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, mọi người dân có sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.

Trước sự cố nghiêm trọng này, nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm của Công ty Nước sạch Sông Đà như thế nào đối với dân?

Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định: Điều 608 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định rất rõ: Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

“Ngoài ra, Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Như vậy, rõ ràng việc công ty nước sạch cung cấp nước nhiễm dầu cho người dân đã cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy họ phải bồi thường”, luật sư cho biết.

Luật sư Hùng nói thêm, mới đây có thông tin người già, trẻ em ở khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) xuất hiện tình trạng bị tiêu chảy, bệnh ngoài da… nghi do sử dụng nước bị dính dầu từ Nhà máy Nước Sông Đà. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng cần làm rõ.

Cũng theo luật sư Hùng, đáng lẽ ra khi phát hiện ra nguồn nước có vấn đề, doanh nghiệp phải dừng ngay việc cung cấp nước cho dân. Tuy nhiên, họ vẫn cố tình cung cấp dẫn đến hệ lụy như hiện tại thì công ty cung cấp nước phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Thanh Thanh