Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết, khu dân cư văn hóa. Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Theo ông Lê Vệ Quốc, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận hơn 120.000 vụ, việc và hòa giải thành công trên 100.000 vụ, việc. Số lượng vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước. Theo tính toán, nếu như số vụ, việc này đưa ra Tòa án giải quyết thì số tiền tối thiểu người dân phải bỏ ra để đóng lệ phí, án phí cho yêu cầu giải quyết việc dân sự là trên 30 tỷ đồng/năm. 

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên chưa được kiện toàn đầy đủ. Phần lớn hòa giải viên chưa thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết phục vụ hoạt động hòa giải... Nguyên nhân của tình trạng này là do cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số nơi và một bộ phận hòa giải viên, người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở nên chưa thật sự coi trọng, quan tâm đúng mức tới công tác này. Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí phù hợp để hỗ trợ công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở...

Một số ý kiến đề nghị, các cấp ủy, chính quyền cần nhìn nhận toàn diện, đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở; củng cố, kiện toàn tổ hòa giải phù hợp với đặc thù của địa phương. Các cơ quan hữu quan bố trí đủ nguồn lực hỗ trợ công tác này cũng như trong bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Phan Phương