Khắc khoải mưu sinh trên đất ô nhiễm

Sau khi tiếp công dân, Ban Tiếp công dân Trung ương đã chuyển đơn của ông Ngô Văn Mai cùng các công dân đến Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm để được xem xét, giải quyết theo quy định. Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên để chỉ đạo việc kiểm tra, xem xét, giải quyết đơn của 29 công dân tỉnh Hưng Yên, trong đó có đơn của ông Ngô Văn Mai và các công dân thôn Chí Trung, xã Tân Quang.

Tìm hiểu được biết, diện tích đất mà các hộ dân thôn Chí Trung và thôn Ngọc Đà gửi đơn kêu cứu có nguồn gốc là đất nông nghiệp, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ những năm 1993. Khi bốc thăm chia đất, toàn thôn Chí Trung đã bình chọn các hộ gia đình chính sách, thương binh để đưa ra mặt đường, nhằm tạo điều kiện cho các hộ này sinh sống. Các hộ dân khi nhận đất đã sử dụng vào trồng cây lâu năm, cây ăn quả, canh tác ổn định, không tranh chấp.

Cuộc sống và việc canh tác của các hộ dân 2 thôn Chí Trung, Ngọc Đà cứ bình yên như vậy, cho đến khi các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất trên địa bàn xã phủ kín. Khói bụi, ô nhiễm nguồn nước dẫn tới việc cả ngàn mét vuông cam Văn Giang, bưởi, ổi đều chết dần chết mòn. Nhiều gia đình khi ấy đã gạt nước mắt mà đi vay trả nợ ngân hàng. Nhiều gia đình phải dằn lòng bỏ cây, bỏ canh tác.

Năm 2013, UBND xã Tân Quang thực hiện chủ trương của cấp trên, tiến hành thu hồi sổ đỏ của các hộ dân nhằm phục vụ công tác đo đạc lại diện tích và tiến hành thủ tục gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, 6 năm trôi qua, các hộ dân thôn Chí Trung và Ngọc Đà vẫn chưa nhận được sổ đỏ mới. Điều này gây khó khăn cho các hộ dân.

Ông Ngô Văn Mai cho biết: Ngày 23/5/2012, UBND huyện Văn Lâm ban hành Quyết định số 1371A/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Quang đến năm 2020. Theo đó, khu vực mà các hộ dân hiện đang sinh sống, kinh doanh sẽ được chuyển đổi sang đất kinh doanh dịch vụ. Hơn nữa, khu vực này đang ô nhiễm, không thể trồng trọt được. Do vậy, các hộ dân đã nhiều lần có đơn đề nghị gửi UBND xã Tân Quang và UBND huyện Văn Lâm, xin được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất kinh doanh thương mại, dịch vụ nhằm mục đích phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống, an ninh, chính trị trên địa bàn xã Tân Quang.

Theo các hộ dân, lý do các hộ dân đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng là do diện tích đất nông nghiệp các hộ dân đang sử dụng không thể canh tác được, làm nông nghiệp kém hiệu quả do ảnh hưởng của việc ô nhiễm môi trường tại các nhà máy, khu công nghiệp bên cạnh. Các hộ dân đã tìm mọi cách khắc phục nhưng không hiệu quả.

Việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các hộ dân là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nông thôn đến năm 2030; định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã Tân Quang đã được cấp trên phê duyệt. Mặt khác, trong thời gian qua, các hộ dân đã đầu tư xây dựng các công trình sử dụng trên đất ổn định, không có tranh chấp. Bên cạnh đó, ngày 11/10/2017, UBND huyện Văn Lâm có Thông báo số 728/TB-UBND về việc xử lý, giải quyết đơn thư, đã hướng dẫn các hộ dân liên hệ với UBND xã Tân Quang đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất.

... Cưỡng chế 

Các hộ dân đã có đơn đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng đất gửi đến các cấp chính quyền. Thậm chí, đã cam kết tự nguyện tháo dỡ công trình trên đất, trả lại mặt bằng khi được chuyển đổi.

Thế nhưng, đề nghị của các hộ dân đến nay vẫn chưa được hồi đáp, thay vào đó, ngày 17/4/2019, UBND xã Tân Quang lại bất ngờ thông báo tạm ngừng cấp điện đối với các hộ dân thôn Chí Trung để bảo đảm an toàn về điện trong thời gian cưỡng chế. Ngày 8/5/2019, UBND xã Tân Quang cũng ban hành thông báo về việc tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với 12 hộ gia đình tại thôn Chí Trung.
Tiếp đó, UBND xã Tân Quang ban hành các quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình trên đất của các hộ dân, đồng thời nhiều lần tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nhà của các hộ dân, nhưng không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các hộ dân.

Ông Mai cho biết, tài sản trên đất là mồ hôi, nước mắt, là tâm huyết của các hộ dân trong nhiều năm qua. Nó là nguồn sống của nhiều gia đình và cũng là chỗ ở duy nhất của nhiều hộ gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn. Việc chính quyền xã Tân Quang trong khi chưa thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện tại Thông báo số 108/TB-UBND ngày 23/4/2019 về việc xử lý, giải quyết đơn thư của công dân thôn Chí Trung, UBND huyện Văn Lâm rà soát vị trí đất của từng hộ gia đình trong số 58 hộ, đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện Văn Lâm; hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện lập dự án sản xuất kinh doanh trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Ấy vậy nhưng, tất cả các đề nghị của các hộ dân về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều không được hồi âm! Đã vậy, UBND xã còn ban hành quyết định và tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhà ở của các hộ dân. 

Bà Đỗ Thị Nha, 82 tuổi, cùng con trai tật nguyền, đang phải đi ở nhờ nhà họ hàng trong gian nhà mái tôn chật hẹp

 

Qua tìm hiểu, được biết toàn bộ gần 20 hộ dân sử dụng đất kinh doanh thuộc thôn Chí Trung và thôn Ngọc Đà (diện bị cưỡng chế, tháo dỡ nhà ở) đã bị cắt điện. Trong cả 2 đợt nắng nóng cao điểm của Hà Nội, hàng trăm con người đều lấy sức người để đánh vật với nhiệt độ, có thời điểm lên đến 42 độ C. Trong số đó, có đến 5 - 6 gia đình thuộc diện chính sách. Đáng chú ý có gia đình cụ Đỗ Thị Nha, nay đã 82 tuổi, có con trai ngoài 50 tuổi tật nguyền. Sau khi ngôi nhà duy nhất của gia đình bà bị cưỡng chế, phá dỡ, mẹ con, bà cháu bà phải đi ở nhờ nhà họ hàng.  

“Tôi già yếu, lại nuôi con trai tật nguyền, cả gia đình chỉ trông chờ vào gian quán, giờ đã bị tháo dỡ, hoàn cảnh khó khăn, cả nhà 10 nhân khẩu phải đi ở nhờ trong gian nhà mái tôn dưới cái nóng hơn 40 độ C những ngày qua. Bản thân tôi lại mới ngã gãy chân, chỗ ở không còn, không biết mai này mẹ con tôi phải làm gì để sống qua ngày”, bà Nha chia sẻ.

Để hiểu rõ hơn mọi việc, PV Báo Thanh tra đã đến UBND xã Tân Quang và UBND huyện Văn Lâm, xuất trình giấy giới thiệu để đề nghị cung cấp thông tin. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã bận họp. Cũng đã chục ngày trôi qua, dù nhiều lần liên hệ điện thoại, nhưng phóng viên không nhận được sự hợp tác từ phía lãnh đạo UBND xã Tân Quang và UBND huyện Văn Lâm.

Vì sao nguyện vọng của người dân, dù hợp với chủ trương tại Quyết định số 1371A/QĐ-UBND ngày 23/5/2012 của UBND huyện Văn Lâm về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Quang đến năm 2020, nhưng 7 năm qua vẫn không được xem xét, giải quyết để ổn định cuộc sống? Vì sao UBND huyện Văn Lâm chưa thực hiện gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ dân theo quy định của pháp luật? Chúng tôi sẽ trở lại nội dung này khi có thông tin tiếp.

PV