Sắp cán mốc 450.000 người

Theo quy định của pháp luật về BHXH, những người tham gia từ 15 tuổi trở lên có thu nhập là công dân Việt Nam không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BXHX tự nguyện theo 1 trong 5 phương thức (đóng hằng năm, đóng 3 tháng 1 lần, đóng 6 tháng 1 lần, đóng 12 tháng 1 lần, đóng một lần cho nhiều năm) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Riêng người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vượt chuẩn nghèo được hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện như chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, thời gian hỗ trợ là 12 tháng kể từ ngày địa phương xác nhận hộ vượt chuẩn. Sau 12 tháng, người tham gia được hỗ trợ như các đối tượng khác, thời gian hỗ trợ được tính tiếp theo thời gian đã được hỗ trợ diện hộ vượt chuẩn và tổng thời gian hỗ trợ không quá 10 năm (120 tháng).

BHXH Việt Nam cho hay, từ năm 2018, sau khi triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ tiền đóng BHXH hằng tháng cho người lao động (NLĐ) tùy từng đối tượng, tổ chức hàng ngàn hội nghị tuyên truyền tại các địa phương, tập huấn công tác tuyên truyền BHXH cho cán bộ BHXH các cấp, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh.

Tính đến ngày 31/8/2019, cả nước đã phát triển được khoảng 449 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Ước tính hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện sẽ khoảng 450.000 người. Như vậy, nếu hết năm 2019, Việt Nam "cán mốc" 200.000 người mới tham gia BHXH tự nguyện, thì đây sẽ là con số bằng cả 14 năm qua thực hiện.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra cần bổ sung quyền lợi cho người tham gia để tăng thêm sự hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện. Nhất là, theo giới chuyên môn, với 35 triệu lao động khu vực phi chính thức là khu vực đầy tiềm năng để khai thác, phát triển BHXH tự nguyện.

Nâng mức hỗ trợ

“Tôi đi giám sát ở nhiều địa phương thấy đúng là BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn đối với người dân. Người dân vẫn so sánh BHXH bắt buộc có 5 chế độ (3 chế độ ngắn hạn và 2 chế độ dài hạn), nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Người dân cũng không hiểu hết bởi để được hưởng 5 chế độ là do NLĐ đã đóng cả 5 chế độ; còn việc BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là do người dân chỉ đóng 2 chế độ (đóng 22%). Sự so sánh này khập khiễng nhưng lại có cái lý của nó”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nói.

Một vấn đề nữa, dù BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn với mục tiêu giúp cho người dân, NLĐ trong khu vực phi chính thức không tham gia BHXH bắt buộc, khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ có lương hưu để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Thế nhưng, mặt bằng thu nhập của nhiều NLĐ tự do còn thấp, trong khi đó, thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài là 20 năm.

Theo ông Lợi, để mở rộng BHXH tự nguyện, đầu tiên hỗ trợ cao để mở rộng diện tham gia, sau đó mới thu hẹp dần mức hỗ trợ.

“Cá nhân tôi cho rằng, trong lúc chúng ta ở giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện thì rất cần phải nâng mức hỗ trợ “kích cầu” lên. Tôi cho rằng cần hỗ trợ 50-50, song với hộ cận nghèo và hộ nghèo thì cần hỗ trợ tăng thêm nữa để thời gian đầu phát triển diện rộng, sau đó từ từ điều chỉnh tỉ lệ này thì mới đạt mục tiêu. Nếu không làm như vậy thì mục tiêu của Nghị quyết 28 khó đạt được. Chúng ta lấy bài học từ chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), ban đầu hỗ trợ như vậy rất ít người tham gia, sau đó “nới lỏng” nên với chính sách BHXH tự nguyện cũng nên thực hiện theo phương án của BHYT”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu.

Ông Lợi cũng bày tỏ quan điểm đồng tình phải điều chỉnh chính sách hưởng BHXH tự nguyện như “nhập” BHYT với BHXH tự nguyện để người dân chỉ cần mua BHXH tự nguyện đương nhiên sẽ có BHYT. Đi cùng với đó, Nhà nước cần phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với an sinh xã hội, kéo giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền với nhau.

Một điều quan trọng nữa, theo chuyên gia, phải linh hoạt thực hiện làm sao để người dân hiểu đúng, hiểu đủ và hấp dẫn. Ví dụ, 50 tuổi thì được đóng trước 5 năm và sau 5 năm để khi đạt 60 tuổi đủ 20 năm đóng thì được hưởng lương hưu.

“Thủ tục hành chính cũng cực kỳ quan trọng, người dân đến đăng ký tham gia BHXH tự nguyện thì phải biết đăng ký ở đâu, thủ tục và quyền lợi hưởng như thế nào? Mặt khác, phải cởi mở, trách nhiệm, tinh thần thái độ nhiệt tình. BHXH Việt Nam đã thay đổi, chuyển biến nhận thức rất rõ; các lãnh đạo ngành đều chỉ đạo quyết liệt; đi giám sát thấy người dân bắt đầu hiểu rõ chính sách và khen thái độ làm việc của cán bộ BHXH...”, ông Lợi nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói thêm, cá nhân ông luôn nghĩ đây là mục tiêu an sinh xã hội, thể hiện bản chất nhân văn của chế độ ta. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

“Làm nhân đạo không chỉ tặng các khoản tiền, giỏ quà… mà nên tặng 5 năm mua BHXH tự nguyện và 1 năm mua BHYT để góp phần “kích cầu” phát triển BHXH, BHYT. Vì vậy, tôi cũng mong muốn các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm nên thực hiện tặng sổ BHXH; sau đó người dân tự đóng - làm như vậy sẽ tạo ra phong trào để người dân tham gia BHXH tích cực hơn”, ông Lợi bày tỏ.

Khánh Vân