Theo người đứng đầu ngành Tài nguyên Môi trường, với sự cố vừa xảy ra tại nhà máy nước sông Đà, cần xem xét nhiều khía cạnh.

Đầu tiên, là xem có phải thiếu chủ động trong ban hành các cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ nguồn nước không.

Hai là, thực thi chính sách, pháp luật của doanh nghiệp.

Thứ ba, là việc chuyển từ doanh nghiệp nhà nước, tức là nhà nước bảo đảm nước sạch sang các công ty cổ phần tư nhân thì có nhiều mặt được nhưng cũng có nhiều điều phải đánh giá giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong bảo vệ an toàn nguồn nước.

“Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có quy định rõ ràng. Mặc dù là tư nhân nhưng trách nhiệm Nhà nước có nhiệm vụ nào cũng phải rà soát lại. Vụ việc này là cảnh báo đỏ cho bảo vệ an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước cấp cho mục đích sinh hoạt của người dân”, Bộ trưởng nói.

Ông Hà cho biết, nếu để tình trạng quản lý lỏng lẻo và chất lượng của nhà quản lý, cung cấp nước kém thì có nhiều kịch bản có thể xảy ra, không loại trừ kịch bản nào.

“Từ vụ việc cho thấy công tác kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn”, ông Hà nhấn mạnh và bày tỏ quan điểm đồng tình với sự phản ứng bức xúc của người dân khi phải ăn nước bị ô nhiễm.

“Tôi cũng ăn nước bẩn mất 3 ngày. Không phải bàn gì nhiều mà thực tế thiếu đưa ra các giải pháp đúng đắn và kịp thời. Họ đã không chú ý đến sức khỏe và lường hết các vấn đề tác hại có thể gây cho mọi người. Có thể nói là hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết”, Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường nói.

Trước câu hỏi: Chúng ta có những chế tài gì trong trường hợp này khi lời xin lỗi đối với đại diện Công ty Nước sạch sông Đà cũng được coi là "tiết kiệm"? Bộ trưởng Hà cho rằng, việc này, cứ để các cơ quan thi hành pháp luật thực hiện.

Theo ông Hà, chúng ta có đầy đủ các quy định của pháp luật để xử lý. Với một doanh nghiệp đưa sản phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà đây là kinh doanh nước, cung cấp sản phẩm về nước, biết nước bẩn mà vẫn cung cấp thì các hộ sử dụng nước ký hợp đồng có thể kiện.

Ngoài ra, việc cung cấp sản phẩm ra thị trường mà sản phẩm đó bẩn thì rõ ràng quy định của pháp luật đều có thể xem xét xử lý.

“Cung cấp thuốc giả có thể đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét cụ thể. Trước mắt, tôi cho rằng, những người tham gia vào việc đổ trộm dầu, cung cấp nước bẩn theo pháp luật chúng ta sẽ xử lý hết sức nghiêm khắc", ông Hà khẳng định.

Bảo vệ môi trường đang giống như “mất bò mới lo làm chuồng”

Thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho hay, nhân dân rất quan tâm, lo lắng đến môi trường sống khi không khí ở Hà Nội liên tục báo động đỏ, rồi vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, mới đây là vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà.

“Tôi về con tôi bảo, bố ơi sao hôm nay nước gì mà ghê thế, nhưng vẫn cứ xài, xài hàng tuần rồi mới biết vụ việc. Vấn đề là trong đó còn chất gì ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân không cũng chưa được công bố rõ ràng, kịp thời”, ông Hạ nói.

Điều làm đại biểuđoàn Bạc Liêu thấy băn khoăn khi thấy nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sông Đà đang là máng hở, thậm chí đi qua trại lợn, nơi người dân sống. Cho nên, chuyện ô nhiễm môi trường, xả thải là đương nhiên.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường đang giống như “mất bò mới lo làm chuồng”, phát sinh mới xử lý.

“Giải pháp căn cơ để lo chuyện môi trường chưa được chú trọng, quan tâm lắm”, ông Trà nhận định và nhắc đến vụ Formosa, vụ nước sạch Sông Đà khi phát hiện mới tập trung chỉ đạo, xử lý.

Vì vậy, theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chính phủ phải tính đến các giải pháp căn cơ hơn trong quản lý nhà nước về môi trường.

“Phải tính hết, dự liệu hết các tình huống chứ, sao cứ phát sinh tình huống mới biết có việc đấy”, ông Trà nêu rõ và lưu ý, sau vụ cháy Rạng Đông chắc chắc phải di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị, khu vực tập trung đông dân cư.

Hương Giang