Do đó, theo các chuyên gia, BHXH Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức trong phát triển hệ thống an sinh xã hội (ASXH) bền vững nhằm ứng phó tốt hơn trước tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, già hóa dân số và cách mạng 4.0.

Khó khăn trong xây dựng chính sách

Đẩy nhanh tốc độ bao phủ hướng tới BHXH toàn dân là mục tiêu xuyên suốt của ngành BHXH. Mặc dù mở rộng diện bao phủ BHXH đã tăng đáng kể trong 10 năm qua, nhưng tính đến nay, số lượng người tham gia BHXH vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Diện bao phủ vẫn còn rất thấp trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động có hợp đồng ngắn hạn. Lao động trong khu vực phi chính thức, tự doanh và lao động nông thôn phần lớn vẫn chưa tham gia BHXH, chỉ tham gia BHYT, hưu trí tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp và chế độ tử tuất.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, BHXH Việt Nam đang đối mặt với thách thức về mặt quản lý, xây dựng chính sách. Theo ông Ánh, tại Việt Nam diện bao phủ BHXH khu vực phi chính thức tăng nhanh qua từng năm, nhưng cũng mới chỉ đạt 32% người dân tham gia BHXH và vẫn còn 10% người dân chưa có BHYT.

Tiếp đó là thách thức về quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT. Phương thức thanh toán đang áp dụng là thanh toán theo dịch vụ. Tuy nhiên, trong điều kiện chi phí ngày càng nâng cao, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cơ chế tự chủ, Chính phủ áp dụng không tăng mức đóng thì việc quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT thực sự là một thách thức.

Cũng theo ông Ánh, một thách thức nữa là vấn đề thiết kế tổ chức thực hiện các chính sách ASXH trong bối cảnh già hóa dân số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao, nên việc dịch chuyển lao động trong bối cảnh này là rất lớn.

Ông Marcelo Caetano, Tổng Thư ký Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA) cũng lưu ý, với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, hiện có 4 thách thức lớn nhất mà các cơ quan ASXH cần quan tâm giải quyết.

Đó là, khoảng cách bất bình đẳng về tiếp cận ASXH giữa các nhóm đối tượng còn lớn khi độ bao phủ BHXH với người già mới đạt trên 50%, người dễ bị tổn thương 16,4% và người khuyết tật nặng mới đạt dưới 10%. Tiếp đến là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các bệnh mãn tính. Thách thức thứ ba là kỳ vọng ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ. Cuối cùng là vấn đề già hóa dân số với tốc độ già hóa ngày càng tăng nhanh.

Tăng cường diện bao phủ với hệ thống ASXH đa tầng

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng một hệ thống ASXH bền vững.

Ngành BHXH sẽ iếp tục cải cách chính sách BHXH, BHYT linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập, đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững

 

Trong đó, cần tăng cường diện bao phủ BHXH, BHYT với một hệ thống ASXH đa tầng, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức; tăng cường kết nối giữa chế độ hưu trí BHXH và hưu trí xã hội phi đóng góp (trợ giúp xã hội); tăng cường sự tuân thủ pháp luật thông qua thanh tra ASXH và điều phối.

Cùng với đó, cải cách thủ tục và quy định thân thiện với người tham gia; đảm bảo dịch vụ y tế có chất lượng có thể tiếp cận được và sẵn sàng ở mọi cấp, kể cả y tế cơ sở; tăng cường, đổi mới công tác truyền thông hướng đến mọi người tham gia…

Theo ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, để bao phủ BHXH tới mọi người lao động như Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra, cần tăng cường sự phù hợp và tuân thủ, vai trò của thanh tra ASXH, điều phối ASXH, tính đầy đủ của các dịch vụ thông qua sự kết hợp các hoạt động khác nhau.

Cụ thể như: triển khai thực thi luật phải xác định kê khai thu nhập, công thức tính lương hưu từ tính trung bình lương cơ sở theo chỉ số CPI, giảm hưởng BHXH 1 lần...

Ông Chang Hee Lee cho rằng, BHXH Việt Nam đã đổi mới công nghệ để tăng cường tính tuân thủ pháp luật, song cần nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, nỗ lực hơn nữa đảm bảo BHXH đến mọi người lao động…

Về phía BHXH Việt Nam, ông Đào Việt Ánh cũng nêu ra các giải pháp của BHXH Việt Nam trong thời gian tới. Đó là tiếp tục cải cách chính sách BHXH, BHYT linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập, đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững.

Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, nội dung cải cách chính sách BHXH nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra.

Đối với ngành BHXH, để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong năm 2020, BHXH Việt Nam cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thu nợ BHXH, BHYT đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nợ đọng tiền đóng BHXH.

Song song với đó, là tích cực thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến các cấp, các ngành, người dân, đặc biệt quan tâm đến người sử dụng lao động và người lao động thuộc khu vực kinh tế tư nhân..

Trần Kiên