Cầu Hà Tân được xây dựng năm 1994, bắc qua sông Bàn Thạch thuộc nhánh sông Thu Bồn phía hạ lưu, nối liền tuyến đường ĐH4, xã Duy Vinh xuống các xã Duy Nghĩa, Duy Hải thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và qua xã Cẩm Kim, TP Hội An.

Hơn 23 năm đưa vào sử dụng, cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng của nhiều cơn lũ lớn. 

Đặc biệt, trong đợt lũ tháng 10/2017, hai trụ bê tông giữa cầu bị sụt lún nặng, kéo theo hệ thống dầm chịu lực bị nghiêng võng 0,5m. 

Để phòng tránh những tai nạn giao thông khôn lường, UBND xã Duy Vinh cho đổ dầm ngang cầu và cắm biển báo không cho người dân và phương tiện qua lại trên cầu.

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, cầu Hà Tân bị hư hỏng, gây khó khăn cho sự lưu thông của nhân dân địa phương, nên việc sửa chữa, khôi phục cầu là vô cùng cần thiết và cấp bách.  

Nhận thức được tầm quan trọng của cây cầu, nhất là đảm bảo giao thông cho hàng ngàn hộ dân, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, tìm phương án sửa chữa cầu, hoặc xây dựng cây cầu mới.

Cuối cùng, phương án được chốt lại là, việc xây dựng cầu Hà Tân mới sẽ triển khai trong tháng 8/2018, nhưng do điều chỉnh lại thiết kế nên đến nay cầu vẫn chưa được khởi công.

UBND xã Duy Vinh cấm không cho qua lại trên cầu Hà Tân bị hư hỏng nặng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 7/6/2018, UBND tỉnh Quảng Nam mới có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư DA cầu Hà Tân và giao cho UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư; với mục tiêu khắc phục thiệt hại do thiên tai năm 2017 gây ra, kịp thời ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng nối huyện Duy Xuyên với TP Hội An và các khu dân cư khác thuộc xã Duy Vinh; đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ, đường thủy trong khu vực và vùng lân cận; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn vùng…

Quy mô của cầu là công trình vĩnh cửu. Tổng mức  đầu tư 49 tỷ 964 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 20 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng, còn lại là của huyện Duy Xuyên...  

Ông Nguyễn Sáu cho biết thêm, DA vẫn chưa thể triển khai do còn vướng mắc khâu thẩm định thiết kế từ ngành chức năng của tỉnh. Hiện nay, cũng chưa làm thủ tục đấu thầu thi công, rồi còn biết bao thủ tục nữa, chẳng biết đến bao giờ DA mới được bắt đầu?

Thông tin cây cầu mới được xây dựng là niềm phấn khởi của gần 15 nghìn hộ dân xã Duy Vinh và vùng Đông Duy Xuyên, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công khiến người dân nơi đây phải chịu thêm cảnh “đò ngang cách trở” trong mùa mưa lũ.

Để tạo điều kiện cho người dân đi lại, đầu năm 2018, UBND xã Duy Vinh chi 450 triệu đồng bắc một cây cầu gỗ qua sông Bàn Thạch, nhưng phải cấm xe lô, ô tô, xe 3 bánh. Đây chỉ là giải pháp cấp bách, tạm thời; bởi cây cầu gỗ tre tròng trành, hàng ngày phải gánh chịu hàng nghìn lượt người và xe máy, xe thô sơ vận chuyển hàng hóa qua lại và nó chỉ sử dụng trong mùa nắng thôi.

Cây cầu gỗ tạm phải tháo gỡ nên việc đi lại của người dân sắp đến rất khó khăn

Liệu mùa mưa lũ năm nay, cây cầu gỗ này có đi lại được không? Ông Sáu liền trả lời: “Không thể đi được vì phải tháo dỡ gấp. Xã tính sắm một con đò để đưa người dân qua sông, nhưng để mua một con đò máy đảm bảo quy định về an toàn giao thông đường thủy bây giờ cũng phải tốn vài tỷ đồng; vượt khả năng tài chính của địa phương”.

Nhìn dòng nước đục ngầu của những cơn mưa đầu mùa từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, không biết cầu cầu gỗ tạm có chống đỡ được bao lâu nữa; hay bị cuốn phăng đi khi chưa kịp tháo dỡ... 

Người dân Duy Vinh luôn ước ao cây cầu Hà Tân mới nhanh chóng được thi công và mong mỏi chính quyền tạo điều kiện lưu thông thuận lợi trong mùa mưa này.

N. Phó