Phải bổ sung chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn

Thời gian qua, có không ít ý kiến đề nghị Bộ TT&TT có biện pháp siết chặt việc đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia và an ninh chính trị, an toàn xã hội.

Bộ TT&TT đánh giá, thông tin sai sự thật, thông tin phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội là những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 Luật Báo chí; Điều 5 Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí, thông tin điện tử, Bộ TT&TT thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về báo chí, đặc biệt là các quy định liên quan nội dung thông tin và hoạt động báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức có hoạt động cung cấp và sử dụng internet.

Theo Bộ TT&TT, trong thời gian tới cần triển khai 6 nhóm giải pháp, cụ thể: Cơ chế chính sách; Kỹthuật; truyền thông, nâng cao nhận thức; Thúc đẩy mạng xã hội doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ; Hợp tác quốc tế và phối hợp giữa các bộ, ngành.

Trong đó, về cơ chế chính sách, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, kịp thời bổ sung, xây dựng các văn bản mới và xây dựng cơ chế chính sách về thông tin điện tử cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý, bổ sung chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn. Đồng thời, xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng xử lý theo kịp sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ mới.

Một chính sách nữa cũng phải “xây”, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo ra những “đơn vị tiên phong” đủ mạnh để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Nhất là nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý thông tin sai phạm trên mạng. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, mức độ nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép; tăng cường hướng dẫn, phối hợp với sở TT&TT các địa phương và các đơn vị chức năng có liên quan xử lý hoạt động sai phạm về thông tin điện tử trên mạng.

Mạng xã hội cần cạnh tranh với Facebook

Năm 2017, Thanh tra Bộ TT&TT và các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đã xử phạt vi phạm hành chính 55 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực báo chí với tổng số tiền xử phạt: 1.266.500.000đ.
Bên cạnh hai nhóm giải pháp về kỹ thuật và truyền thông, nâng cao nhận thức thì giải pháp thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ cũng được các nhà quản lý nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Bởi, hiện nay tại Việt Nam, một số mạng xã hội của nước ngoài như Facebook, Youtube vẫn đang chiếm phần lớn thị trường. Chính vì vậy, trong ngắn hạn, các giải pháp quản lý và tuyên truyền vẫn cần tiến hành đối với mạng xã hội này. Tuy nhiên, dài hạn, Việt Nam cần có những mạng xã hội tương đương, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh với Facebook do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ.

 

Đi kèm với đó là việc phối hợp quốc tế trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Hiện, Bộ TT&TT đã thiết lập được đầu mối với Google và Facebook. Đây là hai dịch vụ của nước ngoài có khá đông người Việt Nam sử dụng. Tới đây, Bộ TTTT sẽ thiết lập đầu mối, cơ chế hợp tác với một số doanh nghiệp khác như Apple (quản lý AppStore), Twitter, Microsoft... để đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế quản lý thông tin trên mạng nói chung và đối với việc xử lý thông tin vi phạm trên mạng nói riêng.

Việc quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin, dịch vụ trên mạng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Do vậy, để quản lý một cách hiệu quả cần sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan dựa trên đầu mối là Bộ TT&TT về quản lý, xử lý thông tin vi phạm nói chung; Bộ Công an điều tra, phối hợp để xác định hành vi, nhân thân vi phạm và các Sở TT&TT tỉnh, thành phố phối hợp xử lý vi phạm xuất phát tại địa phương hoặc cá nhân vi phạm tại địa phương...

Bộ TT&TT khẳng định: Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là các quy định liên quan nội dung thông tin trên báo chí và hoạt động báo chí. Bộ đã thường xuyên đề nghị các cơ quan hành chính Nhà nước phát ngôn và cung cấp thông tin về những sự kiện đột xuất, bất thường để các cơ quan báo chí chuyển tải kịp thời đến người dân nhằm cảnh báo và định hướng dư luận xã hội, đặc biệt các thông tin liên quan đến chính trị, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí đăng tải bài viết phản bác lại những thông tin sai sự thật, sai lệch, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Oanh Hữu