Ngoài ra, có 18/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tuyến xã, phường, thị trấn. Kết quả, 131/584 xã, phường, thị trấn đã tiến hành thanh tra 859 cơ sở thực phẩm, trong đó xử phạt 206 cơ sở với số tiền phạt hơn 408 triệu đồng.

Trong đó, quận Nam Từ Liêm, tiến hành thanh tra 159 cơ sở, xử phạt 61 cơ sở với số tiền xử phạt là hơn 100 triệu đồng. Quận đã tổ chức lấy 15 mẫu thực phẩm xét nghiệm chuyên sâu; quận Hoàn Kiếm thanh tra 24 cơ sở, xử phạt với số tiền 14 triệu đồng; quận Long Biên tiến hành thanh tra 288 cơ sở, xử phạt 75 cơ sở với số tiền hơn 151 triệu đồng.

Theo TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến cơ sở, TP đã tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra cho gần 4.000 công chức, viên chức và đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 1.240 người. Đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ lực lượng để thành lập từ 1-2 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. 

“TP đã có kinh nghiệm qua việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn từ năm 2016. Đây là thuận lợi để cho việc mở rộng thí điểm lực lượng thanh tra tại 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đạt được mục tiêu đề ra”, TS Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Cũng theo TS Trần Văn Chung, đa phần các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra lần đầu. Thêm vào đó, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế, quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai. Ngoài ra, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra.

Phương Hiếu