Cuộc thi được phát động từ ngày 10/6-31/8 nhân dịp kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6). Đây là hoạt động truyền thông về ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động sớm và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, các tác phẩm sẽ góp phần chia sẻ khuyến khích những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam.

Kể từ ngày phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 107 bài dự thi ở cả 4 loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. 

Ban tổ chức đã lựa chọn và trao giải cho 16 tác phẩm xuất sắc nhất. Bao gồm 2 giải B trị giá 10 triệu đồng/giải; 6 giải C trị giá 5 triệu đồng/giải; 8 giải Khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, phòng ngừa lao động trẻ em là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Báo chí, truyền thông giữ vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam.

Đại diện Ban Tổ chức chụp ảnh các tác giả đạt giải

Đánh giá cao những đóng góp các các nhà báo với mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về vấn đề này, ông Hồ Quang Lợi cho rằng, các tác phẩm dự thi đa dạng ở thể thoại, phong phú về chủ đề. Đề tài, nội dung các tác phẩm đều phản ánh chân thực, sinh động thực tế vấn đề về lao động trẻ em. Các nhà báo đã đầu tư công sức để tìm hiểu đề tài và thực tế cuộc sống khi triển khai các bài báo.

Theo ông Hồ Quang Lợi, mặc dù các tác phẩm đã phản ảnh tốt thực trạng lao động trẻ em nhưng chưa đạt được tiêu chí có tính truyền thông giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng giúp người đọc hiểu được khái niệm, nhận dạng lao động trẻ em và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả từ thực tiễn…

Chia sẻ tại lễ trao giải, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, mặc dù đây là lần đầu tiên có cuộc thi viết báo, sáng tạo các tác phẩm báo chí về "Phòng ngừa lao động trẻ em" tại Việt Nam, nhưng đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều đơn vị truyền thông, báo chí cả nước, trực tiếp nâng cao nhận thức của xác hội về tác hại lâu dài của lao động trẻ em. 

Theo ông Đặng Hoa Nam, quá trình thay đổi nhận thức là rất khó, rất nhiều hộ gia đình, bậc cha mẹ, đặc biệt là hoàn cảnh khó khăn chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế của lao động trẻ em mà quên đi tác động lâu dài đến chính trẻ em, tương lai gia đình, địa phương và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia…

Bày tỏ hy vọng các tác phẩm báo chí về chủ đề này sẽ có nhiều giải pháp, sáng kiến hơn nữa, đặc biệt là đến từ cộng đồng, địa phương, xã hội đối với việc phòng ngừa lao động trẻ em, đại diện Cục Trẻ em nhấn mạnh: "Chúng tôi mong đợi từ những tác động của báo chí có thể chỉ ra nhiều hơn trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, gia đình, các bậc cha mẹ đến chính trẻ em trong việc trung tay phòng ngừa lao động trẻ em nói riêng, cũng như giảm số lao động trẻ em nói chung ở Việt Nam hiện nay".

Phương Anh