Theo GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đơn vị tổ chức Giải thưởng cho biết, sau lần đầu tiên Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được trao tặng vào năm 2016, sức lan tỏa mạnh mẽ của Giải thưởng đã tác động tích cực đến cộng đồng khoa học, thể hiện qua số lượng lớn hồ sơ đăng ký xét tặng Giải thưởng năm 2019.

Các công trình đăng ký xét tặng Giải thưởng năm 2019 thuộc 9 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ: Toán, Cơ học, Khoa học thông tin và Khoa học máy tính, Vật lý, Hóa học, Các Khoa học về sự sống, Khoa học về trái đất, Khoa học biển, Khoa học môi trường và năng lượng mà các tác giả của các công trình này là những nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước.

Qua quá trình xem xét, đánh giá trên hồ sơ, Hội đồng Giải thưởng đã thống nhất đề cử trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho 4 công trình xuất sắc về khoa học (đã có nhiều công bố quốc tế, có bằng sở hữu trí tuệ…) và đã được ứng dụng rộng rãi đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Đó là:

Công trình "Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam" của các tác giả là GS Lê Trần Bình, PGS Đinh Duy Kháng, TS Trần Xuân Hạnh.

Đây là công trình mà công việc nghiên cứu đầu tiên là phải có được chủng giống sản xuất vắc xin A/H5N1. Sau khi có được chủng giống đạt yêu cầu cho sản xuất vắc xin, nhóm tác giả đã nghiên cứu quy trình đảm bảo và lưu trữ chủng giống lâu dài cho công việc sản xuất vắc xin. Tiếp sau đó nhóm nghiên cứu đã sản xuất vắc xin từ quy mô phòng thí nghiệm với vài chục ngàn liều đến quy mô pilot vài trăm ngàn liều rồi mở rộng ra quy mô công nghiệp vài triệu liều.

Nhờ các nghiên cứu đã được thực hiện, Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất vắc xin cúm gia cầm H5N1 đạt chất lượng sử dụng ở quy mô công nghiệp, bảo đảm cung cấp một phần vắc xin, tiến tới sản xuất thay thế hoàn toàn vắc xin nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi.

Công trình "Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm" của nhóm tác giả TS Nguyễn Văn Thao, PGS Đoàn Đình Phương, TS Lê Văn Thụ với mục tiêu chế tạo và sản xuất sản phẩm chống va đập, chống đạn trang bị cho lực lượng công an, quân đội và các lực lượng bảo vệ chuyên trách khác khi thực thi nhiệm vụ. 

Nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và công nghệ, tạo ra hướng mới trong lĩnh vực chế tạo vật liệu chống va đập, chống đạn và cụ thể hóa thành các sản phẩm có độ bền cao hơn, nhẹ hơn và ứng dụng vào thực tế chế tạo các sản phẩm trang bị đảm bảo an toàn cho người lính.

Kết quả nhóm tác giả đã thành công trong việc nghiên cứu các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hoá học, sinh học.

Công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của nhóm tác giả: PGS Trịnh Văn Tuyên, TS Nguyễn Thế Đồng, KS Mai Trọng Chính. 

Công trình nghiên cứu này đã đề xuất được các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước. Ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta từ trước đến nay là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường.

Trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất nguy hại công nghiệp và y tế, tập thể tác giả đã có nhiều công trình khoa học liên quan được công bố, trong đó có ba bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo và các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín.

Công trình "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long" của GS Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long có thành tích đặc biệt trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao.

Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu của bà về bản đồ di truyền cây lúa, genome học cây lúa trong lĩnh vực di truyền, chọn giống cây trồng mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới. GS Lang cũng là nhà nữ khoa học đầu tiên được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các công trình nghiên cứu. Đồng thời nhấn mạnh, giải thưởng Trần Đại Nghĩa được tổ chức không chỉ đánh giá các công trình nghiên cứu về mặt khoa học mà điều rất ý nghĩa là cho thấy sự nỗ lực của giới trí thức trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển đất nước. Giải thưởng này không chỉ khẳng định về năng lực mà còn ghi nhận sự cống hiến, tinh thần, nhiệt huyết của các nhà khoa học - tinh thần Trần Đại Nghĩa - dám vượt qua khó khăn để khoa học phát triển xây dựng đất nước.

"Nhìn một cách công bằng các nhà khoa học Việt Nam làm việc trong điều kiện khó khăn, đầu tư còn hạn chế nhưng các kết quả khoa học đã được quốc tế đánh giá ngang bằng với các nước có đầu tư cho khoa học nhiều hơn. Điều này có thể nói phần nào nói lên trí tuệ và sự cống hiến của giới khoa học" Phó Thủ tướng nói.

Thái Hải