Sau lũ, cuộc sống của người dân đang dần trở lại nhịp sống bình thường nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Phan Thai, năm nay 62 tuổi, trú tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn cho biết, đã 2 năm liền nhà ông bị lũ cuốn đổ, đồ đạc bị lũ cuốn trôi cả. “Thiên tai năm nào cũng thế, người dân phải tự mà vượt qua thôi”, ông Thai nói.

Thực tế, sau lũ, gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình khác ở Bình Sơn nhận được sự cứu trợ của địa phương, nhiều tổ chức cá nhân, nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Hay tin Quỹ Bảo trợ trẻ em và MB tặng xe đạp cho học sinh vùng lũ, ông đã mượn xe đạp đèo cháu ngoại là bé Hà Thị Bảo Yên, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Bình Dương đến trung tâm huyện Bình Sơn để nhận quà.

Mặc dù phải vượt qua hơn 5km, lại trong tiết trời mưa rét, nhưng hai ông cháu không giấu nổi niềm vui. “Từ nay có xe đạp, cháu đi học đỡ vất vả hơn nhiều. Nhà cháu nghèo, bố mẹ chỉ làm ruộng nên không đủ điều kiện mua nổi một chiếc xe đạp đến trường. Lũ lụt khổ thế đấy, năm nào cũng càn quét, thật vất vả cho lũ nhỏ”, ông Thai rơm rớm nước mắt nói. Mùa lũ vừa qua, nhà ông có 3 con trâu đều bị cuốn trôi cả, may sau lũ còn tìm lại được 1 con để có phương tiện làm ruộng.

Qua tìm hiểu, đa phần người dân ở Bình Sơn đều có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông Thai, làm ruộng quanh năm, phụ thuộc vào may rủi phần nhiều, cuộc sống vẫn còn nhiều bấp bênh. Em Lê Thị Thọ, học sinh lớp 8, Trường THCS Bình Minh cho biết, nhà em bị sập, bố mẹ đều làm ruộng nên việc khôi phục cuộc sống còn khó khăn. Nhà có 4 chị em, chị cả mới 15 tuổi đã phải bỏ học đi làm phụ bố mẹ, 3 chị em sau vẫn đang cố gắng dắt díu nhau học hành. Tương lai của các em không biết ra sao?

Nhiều em ở Bình Sơn có hoàn cảnh rất đáng thương. Em Tiêu Thị Lý Thảo, lớp 4, Trường Tiểu học số 2 Bình Hải từ lúc sinh ra đã không biết mặt bố. Nhà chỉ có 3 mẹ con, nhưng mẹ cũng đi làm xa, em ở nhà với người dì. Lũ đến, nhà bị sập, mẹ cũng không kịp về thăm con.

Mỗi mùa lũ đi qua, sự vất vả của người dân nơi đây nói chung, của các em học sinh nói riêng lại càng thêm chồng chất. Chị Võ Thị Trước, thôn Tân Hưng, Bình Đông, Bình Sơn, năm nay mới 47 tuổi nhưng dáng vẻ đã vô cùng khắc khổ. Chị làm nghề tạp vụ ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có con gái là Phan Thị Thu Thùy, học sinh Trường Tiểu học Bình Đông được nhận xe đạp lần này, 2 mẹ con mừng rơi nước mắt. Hoàn cảnh của chị rất đáng thương. Chồng làm nghề biển, đi đánh bắt tận đảo Phú Quốc, rồi từ đó không về. “Ảnh có vợ bé ở đó bỏ lại mình mẹ con tôi nơi đây. Một mình tôi nuôi con, lần hồi kiếm sống”, chị Trước chia sẻ. Ban đầu, chị Trước lượm nhặt ve chai, xong rồi xin được vào làm tạp vụ ở nhà máy, công việc từ đó ổn định nên cuộc sống cũng đỡ bếp bênh hơn, dù chưa thể đủ cơm ăn, áo mặc.

Chị Hoàng Thị Được, 46 tuổi ở xã Bình Chương, Bình Sơn cũng cho biết, nhà có 4 con, chồng mất sớm. Hai đứa lớn đã phải bỏ học đi làm nghề may ở TP HCM, còn 2 đứa con sau, dù gia đình nghèo khó nhưng vẫn đang ráng cho các cháu đi học. “Mỗi mình tôi làm ruộng gánh gồng cho cả nhà. Lũ vào, ruộng mất trắng, may được mọi nguời cứu trợ mì tôm, gạo để thoát khỏi cái đói trước mắt. Lũ qua rồi lại lần hồi kiếm ăn”, chị Được nói. Đó là lý do tại sao, khi nghe tin được trao tặng chiếc xe đạp, cả mấy mẹ con chị đã dậy từ rất sớm, dắt nhau đến đợi tặng quà.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Sơn, trên địa bàn huyện hiện còn hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. 50 chiếc xe đạp mà Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cùng MB trao tặng cho các cháu hôm nay thực sự là những món quà ấm áp, đầy tình nhân ái nhân dịp năm mới sắp đến và tạo điều kiện cho các em học tập tốt, vươn lên trong cuộc sống. Món quà này phần nào làm vơi đi những thiệt hại mà các cháu cùng gia đình vừa trải qua.

Phương Phương