Trong chiều ngày 31/8/2019, mưa lớn xuất hiện trên địa bàn Thanh Hóa, nhiều địa phương đã bị nước lũ vây quanh, nước sông Chu, sông Mã, sông Cầu Chày … lênh nhanh. Nhiều hộ gia đình đã phải sơ tán đồ đạc, tài sản để tránh mưa lũ gây thiệt hại. Các huyện miền núi nhiều bản đã bị nước lũ cô lập, đường giao thông nhiều nơi bị sạt lở, khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn.

Mưa lớn đã làm vùng cao Yên Nhân của huyện Thường Xuân bị chia cắt tạm thời bởi nước suối dâng cao, tràn qua đường liên xã. Tại huyện Thạch Thành, nước ngập cục bộ nhiều xã, như: Ngọc Trạo, Thành Tiến, Thành Long... 

Tại huyện Quan Sơn, nước lũ tiếp tục tràn về gây chia cắt một số bản biên giới. Nguy cơ sạt lở đất, lũ quét càng hiện hữu. Huyện đã phải huy động lực lượng, di dời 20 hộ đồng bào Mông ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy đến nơi an toàn. 

Nhiều địa phương khác cũng tổ chức di dân, như: Vĩnh Lộc 151 hộ, Ngọc Lặc 57 hộ, Bá Thước 1 hộ.

Tại TP Sầm Sơn, mưa lớn, nước đổ về nhiều, khiến khu phố Khánh Sơn bị ngập chìm trong nước, nhiều tài sản, đồ đạc của người dân bị thiệt hại nặng nề. Nước ngập có nơi lên đến bàn thờ gia tiên của người dân. 

Khu phố này nhiều lần bị nước lũ nhấn chìm, chính quyền TP Sầm Sơn đã phải nghiên cứu lắp đặt máy bơm nước để hút nước cứu hộ cho dân. Thế nhưng, chẳng hiểu thế nào lần này mưa lớn, nước lại tiếp tục ứ đọng, nhấn chìm nhiều tài sản, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong chiều ngày 31/8, mưa lớn gây ngập nhiều nhà dân ở TP Thanh Hóa. Ảnh: VT

Tại TP Thanh Hóa, mưa lớn, nước đổ về làm nhiều tuyến đường giao thông bị cô lập, không thể đi lại. Nhiều xe ô tô, xe máy bị chết giữa đường phải gọi cứu hộ đến cứu giúp, sửa chữa.

Tính đến 16 giờ ngày 30/8/2019 , toàn tỉnh Thanh Hóa có 4 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 103 nhà bị tốc mái, 351 công trình phụ bị hư hại. Nước mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn cũng đã làm 282 ngôi nhà ngập cục bộ, 15 phòng học bị ngập, 4 điểm trường bị ảnh hưởng. Trong trồng trọt, 4.520 ha lúa bị đổ hoặc ngập sâu trong nước, hơn 1.000 ha diện tích cây trồng khác như ngô, mía, dứa, ớt... bị đổ gãy, gần 120 ha rau màu bị ngập, hư hỏng.

Nhiều diện tích cây lâu năm cũng bị thiệt hại nặng nề, trong đó hơn 80 ha cây ăn quả, 85 ha cây lâm nghiệp, 0,5 ha cây công nghiệp (như chè, cao su, cà phê...), hơn 500 cây xanh đô thị và cây bóng mát bị đổ, gãy. Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chịu nhiều thiệt hại, trong đó có 2.100 con gia cầm bị chết và cuốn trôi, 9 trang trại, gia trại bị ngập nước.

Ngoài các công trình đê điều - thủy lợi bị sạt lở, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh cũng hư hỏng, chia cắt tạm thời. Các tuyến quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 217B, 47 bị sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường tại 36 vị trí, với khối lượng khoảng 27.650m3; sạt lở taluy âm tại 3 vị trí, với chiều dài 35m. Nhiều tuyến đường tỉnh, như: 521E, 530B, 516B, 523C, 522, 523, 516, 519B bị sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường với khối lượng khoảng 2.270m3; sạt lở taluy âm tại 1 vị trí với chiều dài 6m. 9 tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập gây chia cắt, 1 đường tràn bị sạt lở tại xã Xuân Lẹ (Thường Xuân). Trên địa bàn toàn tỉnh, có tổng thể 22 cột điện hạ thế bị nghiêng, đổ gãy, 50m dây điện bị đứt, 2 công sở xã bị ngập và hư hỏng...

Để chủ động ứng phó với bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 3 công điện khẩn; UBND tỉnh đã ban hành 1 công điện khẩn yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả hậu quả do bão gây ra. Sở Giao thông - Vận tải đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục các sự cố về giao thông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương khắc phục thiệt hại. Các địa phương đã và đang huy động tối đa lực lượng lao động và phương tiện để thu hoạch được 1.582 ha lúa diện tích lúa mùa đã chín trên 80%.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, trên địa bàn các huyện miền núi đề phòng trên các sông, suối nhỏ mực nước lên rất nhanh, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất…

Văn Thanh