Đối với khu vực đã bị sạt lở, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ người dân không để thiếu đói, sớm ổn định cuộc sống; chủ động sơ tán các hộ dân các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng; tổ chức rà soát, kiểm tra các khu dân cư, công trình xây dựng ven sông, hướng dẫn, cảnh báo việc xây dựng ven sông bảo đảm an toàn; tập trung bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn; tăng cường quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm khai thác cát sỏi, đặc biệt là khai thác trái phép, không theo quy hoạch, kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát sỏi, rà soát lại các giấy phép khai thác cát sỏi đã cấp, đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác đến sạt lở bờ sông, bờ biển để có phương án thu hồi đối với những trường hợp khai thác sai phép hoặc trong quá trình khai thác gây sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển; hoàn thiện phương án xử lý cấp bách khắc phục sạt lở tại khu vực xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của các khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương rà soát, bố trí các thiết bị quan trắc, cảnh báo sớm tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời sơ tán, không để xảy ra thiệt hại về tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản.

Xây dựng đề án tổng thể phòng chống sạt lở

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhân thức về ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ rừng ngập mặn; thực thi nghiêm công tác quản lý lòng, bờ, bãi sông, bờ biển, ngăn chặn kịp thời các hành vi xây dựng công trình, nhà cửa, khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực lòng, bờ, bãi sông, ven biển; rà soát các khu vực trọng điểm xung yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn để chủ động di dân, tái định cư; xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, khu dân cư tập trung thuộc thẩm quyền của địa phương; tổ chức quản lý chặt chẽ rừng phòng hộ ven biển, huy động các nguồn lực để phòng chống xâm thực bờ biển, phục hồi rừng phòng hộ ven biển; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội gắn với phòng chống sạt lở, bảo vệ rừng ngập mặn.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan và địa phương tập trung điều tra, đánh giá thực trạng, nguyên nhân sạt lở bờ sông, bờ biển; lập quy hoạch chỉnh trị sông, chống xâm thực bờ biển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thiện các nghiên cứu khoa học, tổng kết, đánh giá các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển, kết quả trồng rừng ngập mặn thời gian qua, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phù hợp, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, giải pháp trồng rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng. Xây dựng Đề án tổng thể phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở đồng bộ, căn cơ, phù hợp với điều kiện thực tế đất nước làm cơ sở xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn để huy động các nguồn lực thực hiện; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các giải pháp chỉnh trị sông, ven biển nhằm hạn chế xói lở, bồi lấp ổn định lòng dẫn và dải ven biển, nhất là các khu vực cửa sông. Hướng dẫn các địa phương phân công, phân cấp quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Rà soát, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tham gia phòng chống thiên tai, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là cho phòng, chống sạt lở, bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn ven biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định về cấp độ rủi ro thiên tai đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai; rà soát hệ thống quan trắc thủy văn, hải văn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên phạm vi toàn quốc, bổ sung hoàn thiện từng bước đáp ứng yêu cầu tài liệu cơ bản phục vụ công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là các giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đẩy mạnh áp dụng giải pháp phi công trình, thân thiện với môi trường...

Ngọc Nữ