Nguyên tắc dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Giáo viên không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

Thông tư cũng quy định, không tổ chức dạy thêm, học thêm không theo chương trình chính khóa.

Đặc biệt, học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ không được tham gia học thêm. Học sinh tiểu học cũng không được phép học thêm trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Để được học thêm, học sinh phải có đơn đăng ký học có chữ ký xác nhận của cha mẹ. Giáo viên muốn tham gia dạy thêm cũng phải có đơn đăng ký. Trên cơ sở đơn đăng ký, hiệu trưởng nhà trường sẽ có sự phân công, phân lớp phù hợp với đối tượng học sinh và giáo viên. Việc thu phí học thêm dựa trên thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường. Nhà trường và các cơ sở tổ chức dạy thêm bên ngoài nhà trường phải làm hồ sơ xin cấp phép. Nếu vi phạm quy định, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép. Trong khi đó, việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm.

Thời điểm này, học sinh sắp được nghỉ hè. Tuy nhiên, việc mở tràn lan các lớp dạy thêm cũng như tâm lý phụ huynh muốn con học thêm khi nghỉ hè để có thêm kiến thức và dễ quản lý đã khiến học sinh chưa thực sự có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Việc ban hành Thông tư này được hy vọng sẽ đưa việc dạy thêm, học thêm đúng vào khuôn khổ, đúng với mục đích của nó.

H.Y