Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xung quanh câu chuyện “vi mô” hay “vĩ mô”

Thứ hai, 10/11/2014 - 14:31

(Thanh tra) - Mấy ngày gần đây, xung quanh Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ đang được trình Quốc hội thảo luận, nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhận định rằng cả Thủ tướng và các Bộ trưởng đều đang quản lý quá chi tiết, thiếu thời gian cho chức năng quan trọng của mình là định hướng chiến lược.

Rất nhiều người dân thôn Xuân Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội đã “vây” Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trên công trường Dự án Đường nối Nhật Tân - Nội Bài. Ảnh: Quang Minh/TTO

Có đại biểu còn ví von khi cho rằng "đất nước không thể bay bổng được nếu Thủ tướng không có thời gian để nghĩ việc lớn".  

Mới đây nhất, đối với sự kiện “vi hành” của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng sáng 8/11 để kiểm tra hầm chui dân sinh tại Dự án Đường Nhật Tân - Nội Bài và trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng giải quyết yêu cầu của người dân xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh (Hà Nội), dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau. 

Nhiều người tỏ ra đồng tình với cách làm của Bộ trưởng Thăng, cho rằng ông là người đi sâu đi sát, điều hành mạnh mẽ, quyết liệt, con người của hành động... Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng Bộ trưởng mà đi giải quyết sự vụ nhiều quá, trong khi chiến lược phát triển thì chưa thấy đâu, Bộ trưởng đang đóng vai trò của một đốc công chứ không phải là một vị Bộ trưởng.  

Câu chuyện trên phần nào cho thấy ở ta vẫn còn sự lúng túng nhất định trong công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành pháp, trong việc làm rõ quyền và trách nhiệm của những người đứng đầu. 

Trở lại với vấn đề được nêu ở trên, vậy thì người đứng đầu Chính phủ và các vị tư lệnh ngành nên tập trung lo chuyện đề ra chính sách chiến lược hay đi giải quyết những công việc chi tiết, nên tập trung lo “vĩ mô” hay đi xử lý công việc “vi mô”?

Trước hết, cần thấy rằng, việc đề ra định hướng chiến lược ở tầm quốc gia đối với người đứng đầu Chính phủ, và trong phạm vi lĩnh vực phụ trách đối với các vị Bộ trưởng là chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Thủ tướng và các Bộ trưởng, được quy định trong các văn bản pháp luật. Không luật nào yêu cầu các vị phải đi giải quyết việc cụ thể này, việc cụ thể kia vì bản thân các đạo luật cũng chỉ có thể được xây dựng trên các nguyên tắc và tình huống chung, không thể dự liệu hết các tình huống cụ thể để đề ra quy tắc xử sự được.  

Thế nhưng, để có được dữ liệu thông tin đủ để đề ra chính sách phù hợp, người ra chính sách cần phải có thực tế, kiểm nghiệm thực tế, không chỉ qua những văn bản báo cáo của cấp dưới mà nhiều khi phải trực tiếp lăn lộn với cuộc sống, lắng nghe và thấu hiểu cuộc sống của các tầng lớp nhân dân mới có thể đề ra chính sách đúng đắn được.  
 
Cũng vậy, trước đây, các vị vua hiền, tôi giỏi là những người không chỉ quanh năm ở trong cung cấm, thành trì mà phải thường xuyên đi “vi hành”, thị sát cuộc sống của dân chúng, đôi khi trực tiếp xử những án oan cho dân. Những vị vua hiền, tôi giỏi đó mãi mãi được sử sách ghi nhớ. 

Đối với xã hội hiện đại ngày nay, việc tuyệt đối hóa mặt này hay mặt kia trong câu hỏi “vĩ mô” hay “vi mô” được thảo luận ở trên đều sẽ không mang lại kết quả. Người làm chính sách tốt phải có thực tế sống động làm cơ sở, và thực tế cuộc sống chính là nơi kiểm nghiệm lại chính sách đề ra. 

Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng như các vị tư lệnh ngành cần làm sao cân bằng giữa việc dành thời gian cho hoạch định chiến lược, chính sách vĩ mô (thời gian họp hành, hội nghị hội thảo) cũng như thời gian cho việc đi thực tế cơ sở, nắm bắt và nếu có thể, trực tiếp chỉ đạo giải quyết công việc cho dân. 

Thiết nghĩ, đó là điều mà đa phần cử tri hiện đang rất mong mỏi và chờ đợi. Nhiều vùng, nhiều địa phương người dân ngày đêm mong mỏi có các đoàn chức năng ở cấp trên về kiểm tra, lắng nghe nguyện vọng của bà con nhiều lắm chứ. 

Ở khía cạnh khác, việc dành nhiều thời gian cho cơ sở còn là sự thể hiện việc gần dân hơn là cách làm việc “ngồi phòng lạnh đề ra chính sách trên trời” vừa xa dân, vừa gây hại cho dân mà dư luận vẫn phản ánh.

Ngọc Hùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm