Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vẫn thiếu trường lớp vì áp lực di dân

Thứ hai, 22/08/2011 - 19:38

(Thanh tra) - Học sinh toàn TP. Hồ Chí Minh đã bước vào năm học mới. Công tác chuẩn bị trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) gần như đã hoàn tất. Tuy nhiên, như mọi năm, áp lực về trường lớp, sĩ số HS vẫn rất căng thẳng. Dù đã được thành phố đầu tư, xây dựng CSVC một cách mạnh mẽ trong năm qua, nhưng số lượng phòng học tại các quận, huyện chịu áp lực di dân cao như Q.12, Gò Vấp, Q.8, Hóc Môn vẫn thiếu trầm trọng.

Việc di dân gây bị động đến sự chuẩn bị ở các trường học

Áp lực di dân

Đây là chuyện không mới của các quận, huyện ngoại thành vào đầu  năm học mới. Ngoài số lượng HS tại chỗ, năm nào số lượng HS đầu cấp của các quận, huyện ngoại thành cũng đều gia tăng chóng mặt bởi  sự di dân tự do.

Theo báo cáo của UBND Q.8, toàn quận có 63 trường ở các bậc học với tổng số 1.416 phòng học cùng 55.263 HS. Tuy nhiên, do lượng dân nhập cư tăng cao nên hệ thống trường lớp của Q.8 đều  đang quá tải, áp lực thiếu phòng học rất lớn. Số lượng trường học xuống cấp, CSVC thiếu thốn và cần được đầu tư xây dựng mới chiếm 30% tổng số trường học.

Ông Triệu Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 cho biết, CSVC trường lớp của Q.8 khó khăn nhất so với các quận ngoại thành. Bởi ngoài áp lực di dân tự do, nguồn vốn bổ sung tu sửa trường lớp, xây mới trong năm học vừa qua cũng khá hạn hẹp, năm học này số lượng HS ra lớp các cấp tăng rất cao, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi mầm non.

Với quận Gò Vấp, tính đến thời điểm này, toàn quận có 140 đơn vị trường học, trong đó công lập 55 trường. Các đơn vị giáo dục này đang nuôi dạy 77.430 học sinh (bao gồm MN: 18.729 HS, TH: 36.431 HS, THCS: 24.618 HS). Do đó, số lượng phòng ốc của quận Gò Vấp thiếu hụt trong năm học mới là rất lớn. Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, hiện tại các bậc học có 1.597 phòng, trong đó MN 479 phòng, nếu sĩ số HS là 30 em/lớp thì còn thiếu 145 phòng. TH có 633 phòng, nếu sĩ số HS là 40 em/lớp, còn thiếu 278 phòng. Ở bậc THCS có 486 phòng, nếu sĩ số HS là 45 em/lớp thì thiếu 61 phòng. Như vậy, theo quy định, tổng số phòng học còn thiếu hiện nay của quận Gò Vấp là 484 phòng. Mặc dù năm học 2011 - 2012 đã tăng 69 phòng so với năm học trước.

Năm học 2010 - 2011, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư 3.700 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới CSVC trường lớp. Chuẩn bị cho năm học 2011 - 2012, TP đưa vào sử dụng 1.095 phòng học mới. Tuy nhiên, giáo dục TP vẫn còn những khó khăn, tiến độ xây dựng mới CSVC, trường lớp vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của ngành, áp lực của sự di dân tự do nên bài toán trường lớp vẫn rất căng thẳng. Nhiều nơi sĩ số HS bậc THCS vẫn ở mức trên 45 HS/lớp (khoảng 53,3 em) như Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn, Q.8...

Còn theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, hiện toàn huyện có 70 trường của các bậc học. Tuy nhiên, do lượng dân nhập cư năm sau luôn cao hơn năm trước, và cụ thể là trong năm học 2011 - 2012, toàn huyện sẽ tăng gần 6.000 HS, trong đó khối tiểu học tăng 3.600 HS. Với số HS tăng “đột biến” như vậy cùng với việc một số dự án (DA) xây dựng mới trường, lớp học không kịp đưa vào sử dụng trong năm học này, Hóc Môn thiếu phòng học nghiêm trọng.
 
Căng thẳng bởi công tác giải ngân, giải tỏa chậm

Trước thực trạng CSVC thiếu thốn, trường lớp xuống cấp một cách trầm trọng, ban giám hiệu nhiều trường tại các quận huyện đã nhiều lần kiến nghị tới các cấp lãnh đạo. Nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn là: Vướng giải phóng mặt bằng. Trong đó, nguyên nhân phần lớn do nhiều hộ dân không chấp nhận phương án di dời và hỗ trợ. Vì vậy, tuy đã có nhiều DA xây mới trường, lớp học được khởi công tại các quận huyện, nhưng tiến độ rất chậm và rất nhiều công trình không thể hoàn thành trong năm 2011 để giảm tải cho áp lực sĩ số. 

Theo báo cáo thì tính tới ngày 20/7, huyện Hóc Môn đã giải ngân được gần 70 tỷ chiếm tỷ lệ 86,3% kế hoạch nguồn vốn ngân sách TP giao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT trong một buổi kiểm tra tình hình CSVC mới đây lại không đồng tình với báo cáo này.

Số liệu từ Kho bạc Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm huyện Hóc Môn mới chỉ giải ngân được 48,140 tỷ đồng (67,71%). Chính việc giải ngân chậm đã ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch xây dựng trường, lớp trên địa bàn huyện. Ngoài ra, việc lãnh đạo huyện chưa chỉ đạo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình của huyện trong việc tham mưu cho lãnh đạo cách làm quyết liệt trong việc thu hồi giải phóng mặt bằng của những công trình xây dựng mới trường, lớp học nên mới dẫn tới việc thiếu hụt trầm trọng này.

Tương tự, tại Q.12, năm học vừa qua cũng có đến 3 DA xây dựng trường mới bị “trùm mền”. Số lượng ngân sách đầu tư xây dựng trường lớp mới chỉ giải ngân được khoảng trên 70%. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 cho biết, năm học 2011 - 2012, quận sẽ đưa vào sử dụng 2 trường xây mới hoàn toàn là trường THCS Thạnh Lộc và THPT Thạnh Lộc với số vốn đầu tư lên tới 115 tỷ đồng (gồm 80 phòng học). Toàn quận hiện có 169 trường từ MN đến THCS với 1.757 lớp trên tổng số 64.816 HS. Năm 2010, vốn ngân sách quận đầu tư cho CSVC là 1,2 tỷ đồng, vốn đầu tư của TP  là hơn 57 tỷ đồng cho 5 DA mở rộng, xây mới các trường mẫu giáo Họa Mi 1, TH Quang Trung, TH Trần Quang Cơ, THCS Lương Thế Vinh, TH Bàu Nai. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ đưa vào sử dụng được trường mẫu giáo Họa Mi 1.

Tại quận Gò Vấp, năm 2010, UBND TP đã bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho 6 DA bồi thường giải tỏa để xây dựng trường học trên địa bàn. Tuy nhiên đến năm 2011, UBND TP không tiếp tục bố trí vốn cho các DA này, gây khó khăn cho quận trong việc giải quyết bức xúc về trường lớp trên địa bàn. Do đó, UBND quận Gò Vấp kiến nghị HĐND và UBND TP bố trí kế hoạch vốn năm 2011 và các năm tiếp theo để quận tiếp tục triển khai thực hiện 6 DA bồi thường giải tỏa và 13 DA xây dựng trường mới nhằm giảm áp lực về sĩ số.

Hiện nay, các DA xây mới trường lớp, sửa chữa phòng học ngoài việc chậm trễ do khâu bồi thường, giải tỏa chậm thì có một thực tế đang tồn tại ở các quận, huyện chính là việc nguồn vốn đầu tư đang bị “cạn”. Các đơn vị xây dựng phải tạm dừng thi công để chờ vốn, vì vậy áp lực thiếu trường, lớp ngày càng trầm trọng.

Anh Tú

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm