Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính cả nước có trên 80% tàu thuyền tập trung khai thác chủ yếu ở vùng ven biển, trong khi vùng này chỉ chiếm khoảng 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế. Sản lượng khai thác bền vững ở vùng nước có độ sâu nhỏ hơn 50m ước tính khoảng 0,6 triệu tấn, trong khi sản lượng ven bờ hiện nay khoảng 1,1 triệu tấn. Điều này gây sức ép khai thác lên nguồn lợi ven bờ quá lớn.Giai đoạn 2001 - 2010, tổng số tàu thuyền cả nước tăng bình quân 6,2%/năm, tổng công suất tăng 7,1%/năm. Trong khi tổng sản lượng khai thác chỉ tăng 3,8%/năm. Số liệu tàu thuyền và tổng công suất tăng nhanh, nhưng tổng sản lượng khai thác tăng chậm. Điều đó chứng tỏ áp lực và cường lực khai thác ngày càng tăng. Nguồn lợi thủy sản không tái tạo kịp bởi tốc độ khai thác quá lớn dẫn tới việc suy giảm nguồn lợi. Thực tế, một số đối tượng khai thác đã giảm đi đáng kể, một số loài hầu như cạn kiệt. Cùng với đó, phương thức khai thác hủy diệt ảnh hưởng nghiêm trọng đền nguồn lợi và môi trường sinh thái. Vừa qua, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện nhiều tàu thuyền của ngư dân dùng phương pháp khai thác có tính chất hủy diệt như dùng nguồn điện cao áp từ 1.000 - 1.500W cho đèn pha sáng dưới mặt nước để đánh bắt cá tại một số xã: Bình Châu, Phước Tỉnh và các khu vực TP Vũng Tàu. Biển Việt Nam với dải bờ chạy dài trên 3.260km, diện tích trên 1 triệu km2, hàng năm đem lại nguồn lợi trên 2 triệu tấn trong số hơn 90 triệu tấn hải sản của thế giới. Đồng thời cũng là hệ sinh thái rất đặc thù và được đánh giá là 1 trong 16 trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới. Đây là một điều kiện thuận lợi để nước ta phát triển đa dạng các ngành kinh tế biển và ven biển trong hơn 50 năm qua. Lo ngại hơn, không ít chủ tàu còn sử dụng xung điện, chất nổ trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Các phát hiện của cơ quan chức năng trước đây cho thấy, chất nổ thường được tàng trữ bằng cách để lẫn vào những nhu yếu phẩm, thậm chí được cung cấp ngay ngoài khơi nên rất dễ hoạt động. Các chuyên gia nhận định, những trường hợp vi phạm quy định trong khai thác thủy hải sản chủ yếu là hộ ngư dân nghèo và thường sử dụng phương pháp hủy diệt để khai thác ven bờ. Thêm nữa, số lượng tàu thuyền đánh bắt, khai thác quá mức, khai thác trong vùng cấm; sử dụng ngư cụ có mắt lưới nhỏ, khai thác vào mùa sinh sản các loài nhỏ… Điều này khiến nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt. Trong khi đó, việc xử phạt hành chính và tiêu hủy tang vật bị cấm sử dụng chưa đủ sức răn đe.Chưa kể, việc phát triển các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… phần nào đã tác động xấu đến môi trường và sinh thái ven biển. Chất lượng môi trường ở một số vùng đang có dấu hiệu ô nhiễm. Một số hệ sinh thái bị xâm hại, mật độ quần thể thủy sinh vật suy giảm nhanh mất đi khả năng tái tạo, phục hồi nguồn lợi.Theo dự báo của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, biến đổi khí hậu là yếu tố tác động và ảnh hưởng lớn tới hoạt động khai thác thủy sản, kéo theo nước biển dâng tác động trực tiếp đến ngư trường khai thác, nguồn lợi, tàu thuyền, ngư cụ. Chế độ thủy triều cũng thay đổi gia tăng sự xói mòn các bờ, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng tới an toàn của người và tàu thuyền… Chưa kể đến các tác động làm thay đổi sự phân tầng thủy sản; gia tăng hoạt động của bão.Chính vì vậy, việc chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho một bộ phận ngư dân vi phạm khai thác hủy diệt là điều mà các cấp ngành quản lý nên nghĩ tới trước khi làm công tác tuyên truyền, quản lý chất liệu nổ hay tuần tra, xử lý vi phạm.Hữu Oanh Thanh tra việc dùng xung điện, chất nổ khai thác thủy sản Tính từ năm 2006 - 2011, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, tịch thu và xử lý trên 100 trường hợp sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt gây bức xúc trong nhân dân. Không chỉ yêu cầu tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và ngăn chặn hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản tại các vùng nước ven biển và vùng nước nội đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã chỉ đạo chỉ đạo Thanh tra Thủy sản tăng cường tần suất kiểm tra việc sử dụng xung điện trên 2 tuyến sông chính là sông Gianh và sông Long Đại. Năm 2011, Thanh tra Thủy sản đã tổ chức được 50 cuộc thanh tra, kiểm tra trên 800 lượt cơ sở; phát hiện 77 cơ sở vi phạm, xử phạt trên 300 triệu đồng; tịch thu và tiêu huỷ 10 bộ kích điện, thả về biển trên 50kg tôm hùm nhỏ, tôm hùm mang trứng... Hiện nay, nạn dùng xung điện để khai thác thủy sản trên sông ở một số địa phương giảm hẳn. Ngư dân ở các xã Quảng Lộc, Quảng Trung huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu ra khơi khai thác thủy sản; ngư dân xã Xuân Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh huyện Quảng Ninh đã chuyển đổi ngành nghề khác không khai thác thủy sản bằng xung điện như trước đây. Hoàng Đức Hiền