Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 24/04/2012 - 07:03
(Thanh tra) - Hiện tại, mỗi lần ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đưa tàu thuyền ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản, không chỉ phải đối mặt với thời tiết thấp thường, mà còn phải đương đầu với “nhân tai” bất ngờ ập đến... nhưng họ vẫn quyết tâm đoàn kết bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Vì, nơi biển xanh mênh mông ấy, là máu thịt, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà cha ông chúng ta đã dày công khai phá và gìn giữ.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn
Về Lý Sơn những ngày tháng Tư lịch sử, cũng là thời điểm người dân vùng đảo này tổ chức đại lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 16/3 (Âm lịch), nhằm tri ân công đức những bậc tiền bối đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc về phía Biển Đông. Chỉ tay về phía hàng trăm con tàu đang neo đậu sau chuyến ra khơi trở về, anh Lê Văn Ninh, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện nói: “Những con tàu đó là minh chứng cho khát vọng chinh phục biển cả và bảo vệ biển đảo của người dân Lý Sơn. Chính vì vậy, những con tàu đó được chúng tôi gọi cho cái tên là “Trạm” lưu động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…”.
Toàn huyện có 416 chiếc tàu, hơn một nữa là tàu đánh bắt xa bờ, với gần 3 ngàn lao động trực tiếp hành nghề trên biển, sản lượng khai thác gần 35 ngàn tấn hải sản các loại/năm, giá trị kinh tế đạt hơn 270 tỷ đồng… Dẫu biết phía trước mũi tàu không chỉ có sóng to gió lớn, mà có cả tàu nước ngoài được trang bị vũ khí hăm he đe dọa, nhưng đây là ngư trường truyền thống, lớp lớp cha ông thuở trước từng gắn bó và đánh bắt, thì nay con cháu tiếp tục ra khơi. Vì thế, họ không hề chùn bước, mà xem như một phần máu thịt, là nguồn sống của mình. Cứ thế, hết đời này sang đời khác, dân đảo Lý Sơn vẫn tiếp tục bám biển Hoàng Sa, Trường Sa để mưu sinh và khẳng định chủ quyền về lãnh thổ thiêng liêng của đất nước…
Ngư dân Trương Đình Nhân, xã An Hải, bày tỏ: “Bao đời nay, dân Lý Sơn xem Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của mình. Thời triều Nguyễn, người dân đất đảo đã sung đội hùng binh ra đảo Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền của Tổ quốc. Họ xuất bến bằng ghe bầu gặp sóng to gió lớn nên nhiều người đã “một đi không trở lại”. Ngày nay, ngư dân đã đóng được những con tàu công suất lớn, trang bị những thiết bị hiện đại nên không lý do gì phải từ bỏ vùng biển này. Đã có nhiều ngư dân ra khơi bị tàu nước ngoài bắt tịch thu tàu, ngư lưới cụ, kể cả sản phẩm thu được rồi đòi tiền chuộc…, làm họ trắng tay, thậm chí có người phải thế chấp nhà cửa vay vốn để trả nợ, nhưng rồi chúng tôi vẫn quyết tâm đoàn kết để bám biển”.
Xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn của địa phương, và những chiếc tàu hiện đại được xem là “trạm” lưu động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nên huyện vận động ngư dân tiếp tục đầu tư đóng mới phương tiện có công suất lớn cùng trang thiết bị, ngư cụ hiện đại để vươn khơi xa, khai thác có hiệu quả. Trong số đó, phải kể đến ngư dân Nguyễn Gia Viên, xã An Vĩnh, là người có trên 10 năm làm nghề lưới vây rút chì, hiện là chủ 3 tàu cá công suất lớn, với tổng giá trị đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Đội tàu của anh mỗi năm khai thác từ 200 đến 300 tấn cá, thu được hơn 6 tỷ đồng, riêng năm 2011, đội tàu của anh đạt giá trị sản lượng gần 10 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Phạm Thị Hương cho biết: “Ngoài nguồn vốn ngư dân tự có, huyện cũng tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và các nguồn vốn khác, để giúp cho ngư dân đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, phục vụ đánh bắt hải sản dài ngày trên biển. Có tàu lớn, cộng với kinh nghiệm đi biển được đúc kết từ bao đời, là tiền đề quan trọng giúp ngư dân Lý Sơn đủ sức chống chọi với thiên tai, địch họa nơi biển xa của Tổ quốc. Nhờ thế, nên ngày càng có nhiều tàu cá của ngư dân huyện đảo khai thác đạt giá trị từ 5 đến 10 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân một lao động đạt trên 100 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình quê đảo đã vươn lên thoát nghèo và nuôi con ăn học thành tài, tạo nguồn lực vững chắc cho mai sau…”.
Thăm nhà ông Trần Công Thịnh, An Vĩnh, là gia đình hiếu học tiêu biểu. Không theo nghề biển, chỉ mưu sinh từ nghề trồng tỏi trên cát nhưng vợ chồng ông Thịnh đã đưa cả 5 người con của mình vào giảng đường Đại học. Đứa con gái lớn sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế đã về quê hương giảng dạy, còn 4 người con trai lần lượt tốt nghiệp kỹ sư, bác sỹ…, hiện đang công tác tại nhiều nơi. Ông Thịnh tâm sự: “Hồi trẻ được đi đây đi đó tiếp xúc nhiều nên tôi hiểu chỉ có cái chữ, sự học mới có thể thoát được cái nghèo khó và góp phần xây dựng đất nước và tôi tự nhủ dù khốn khó đến mấy cũng quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn…”.
Ở Lý Sơn, người dân còn lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quá trình chinh phục Biển Đông trong quá khứ vô cùng gian khó của dân tộc. Tiêu biểu là tờ Sắc chỉ của Vua Minh Mạng lệnh cho một đội thủy binh đi Hoàng Sa vào ngày 15/4, năm thứ 15 (1834), được lưu giữ tại nhà thờ họ Đặng. Ông Đặng Lên, người có công lưu giữ bảo quản tấm thư tịch cổ quý giá này kể: “Từ thời ông nội ông Lên còn sống (cách đây hơn 60 năm), ông biết trong nhà thờ họ Đặng lưu giữ một “bảo bối” có giá trị lịch sử. Ông nghe Nội bảo là vô cùng quý giá và thiêng liêng, không ai có quyền được mở ra xem, nó được cất kỹ trên bàn thờ gia tiên. Đó là tờ sắc phong Vua ban cho ông Đặng Văn Siểm - người đầu tiên đưa con cháu họ Đặng ra Lý Sơn lập nghiệp, ông Siểm là người đã dẫn đội thủy binh của nhà Vua ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Tờ sắc phong này được cất giữ trong nhà thờ họ Đặng và cứ 20 năm mới được mở ra một lần, vào đúng dịp cúng lễ gia tiên. Đến đời ông Đặng Lên, ông được chứng kiến đầu tiên vào năm 1959. Đến năm 1988, ông Dương Quỳnh, thôn Đông, An Hải, Lý Sơn, người biết chữ Hán Nôm được bà con họ Đặng nhờ dịch lại nội dung tờ sắc phong, mới biết được giá trị vô giá của nó”.
Trong dịp cúng lễ gia tiên năm 1989, nội dung về tờ sắc phong đã được công bố cho con cháu toàn họ tộc biết. Trong đó, Vua Minh Mạng lệnh cho các ông Đặng Văn Siểm làm đà công, Võ Văn Hùng là hoa tiêu, cùng các ông Võ Văn Công, Dương Văn Định, Ao Văn Trâm... chỉ huy 3 thuyền, gồm 24 người lính đi ra đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ thu lượm sản vật, hải sản, đo đạc, cắm mốc trên đảo. Thời gian đi từ tháng 3 đến tháng 8 và hành trang của những người đi canh giữ biển đảo, đúng như câu ca truyền miệng của người dân trên đảo vẫn còn truyền tụng đến ngày nay: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây/Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”. “Trường Sa trời bể mênh mang/Người đi thì có người không thấy về/Trường Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Trường Sa...”. Năm 2009, tờ sắc chỉ Vua ban ở nhà thờ họ Đặng đã chính thức được chuyển giao cho Bộ Ngoại giao, đây là một tài liệu vô cùng quý giá, là bằng chứng hào hùng chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đó cũng là niềm tự hào, là trách nhiệm cao cả của thế hệ con cháu, phải giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc, phải bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ở Biển Đông.
Nguyên Ngọc
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền