Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tết không cô đơn

Thứ tư, 25/01/2012 - 14:14

(Thanh tra) - Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, có mặt tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức (huyện Từ Liêm) và chùa Bồ Đề (huyện Gia Lâm, Hà Nội), chúng tôi gặp nhiều hoàn cảnh không may mắn khác nhau. Nhưng ở đây, họ nhận và cho đi sự chia sẻ, cảm thông, chăm sóc. Bấy nhiêu, cũng đủ để họ quên đi nỗi cô đơn, tiếp tục “nuôi dưỡng” niềm tin vào cuộc sống… Họ háo hức mong Tết đến với “mái ấm thứ 2” của mình.

Tình nguyện viên nước ngoài dạy các em làm đồ chơi

“Mái ấm thứ 2”

Xếp những đồng tiền người thành tâm đi lễ chùa công đức, cụ Nghiêm Thị Ấu (quê Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) cẩn thận bỏ vào hòm công đức của chùa Bồ Đề. Cùng với việc quét sân, thì đây là thói quen mà cụ Ấu tự nguyện giúp nhà chùa mỗi ngày. “Ở đây từ trẻ con đến người già gần 150 người, đa phần là hoàn cảnh cô đơn không nơi nương tựa hoặc bị bỏ rơi, đều được Thầy (Trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan - Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương) lo từ cái ăn, đồ mặc, chỗ ở cho đến khi bị ốm đau, bệnh tật… Tết này là Tết thứ 2, chúng tôi được làm lễ, cắt bánh chưng, đón giao thừa cùng sư thầy”, cụ Ấu nói.

Cụ Phạm Thị Phương (82 tuổi, ở Hào Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang) lưu lạc từ ngoài Bắc đến trong Nam nay cũng đến nương nhờ chùa Bồ Đề. “Tôi cảm thấy bình thản và vui vẻ khi ở đây. Tôi cũng tìm được những người bạn già trò chuyện, động viên nhau lạc quan hơn vào cuộc sống”, cụ Phương chia sẻ.

Nụ cười trên môi trẻ thơ ở Bồ Đề

Chúng tôi tới Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức. Sự săn sóc tận tình, chu đáo và những tình cảm yêu thương mà đội ngũ y bác sĩ dành cho các cụ khiến nơi đây giống như một gia đình lớn. Hoàn tất công việc chăm sóc y tế xong, Y tá trưởng Trung tâm đến hỏi thăm cụ bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, 93 tuổi. Như thói quen thân thiện từ lâu, cụ Hồng khoe với y tá bài thơ mới làm và nhờ đọc soát lại để kịp đọc tặng mọi người.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Chung, một người bị liệt toàn thân 17 năm bộc bạch: “Không những nhẹ nhàng, ân cần, tận tình chăm sóc chúng tôi, thứ 7, chủ nhật hàng tuần, Trung tâm còn tổ chức ca nhạc, đọc thơ, tô tượng... Đây là ngôi nhà thứ 2 để chúng tôi yên tâm sống vui vẻ, hạnh phúc. Năm nay là lần thứ 6 tôi ăn Tết ở Trung tâm. Chúng tôi không còn cảm thấy cô đơn, nhớ nhà bởi tất cả con cháu đều vào đây ăn Tết và chia sẻ với các cụ. Trung tâm cũng tổ chức lễ đón giao thừa trong không khí rất đầm ấm, tình cảm…”.

Các y bác sĩ ở Trung tâm chia sẻ, làm công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ cần 4 chữ: Nhẹ nhàng, Nhân ái, Nhẫn nhịn, Nhã nhặn. Nghĩa là phải có cái tâm và chữ nhẫn. Sự tận tình đó được đáp lại khi 70% các cụ năm nào cũng ở lại ăn Tết ở Trung tâm.

Sẻ chia và hy vọng

Chúng tôi khá xúc động khi chứng kiến cảnh sinh hoạt cộng đồng tại Trung tâm từ thiện chùa Bồ Đề. Người già còn khỏe mạnh phụ giúp nhà chùa làm bữa cơm chay, nhóm bếp, nhặt củi. Còn người trẻ hơn thì giúp những người cao tuổi đang bệnh hoặc mới ốm dậy tập thể dục, đi lại ngay trong khuôn viên chùa. Trẻ nhỏ (đa phần là các em mồ côi) nô đùa, tiếng cười nói, gọi nhau ríu rít. Dù không nói được tiếng Việt nhưng các tình nguyện viên người nước ngoài, bằng sự trìu mến, kiên nhẫn, sẻ chia… bày những trò chơi, dạy các em nhỏ làm đồ chơi và học tập. Các tình nguyện viên là sinh viên Việt Nam cũng dành một buổi trong tuần để trải nghiệm, chia sẻ, giúp đỡ trẻ em, người già có hoàn cảnh đặc biệt ở đây.

Các cụ già vui vẻ bên con cháu tại khuôn viên Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức.

Trò chuyện với chúng tôi, bé Cù Quảng Nam (8 tuổi) kể: “Lúc cháu lên 4, mẹ cháu đi nước ngoài và “gửi” cháu vào đây. Hàng ngày cháu thích được giúp các sư thầy… Cháu rất mong đến Tết vì cũng như Tết Trung thu vừa rồi cháu được tặng rất nhiều đồ chơi. Cháu cũng mong Tết vì qua cái Tết này, Thầy nói sẽ cho cháu đi học giống như các anh. Cháu rất thích đi học…”.

Trở về từ chùa Bồ Đề và Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức, hình ảnh một “mái ấm thứ 2” thật đầm ấm, ý nghĩa với những con người gặp hoàn cảnh không may mắn để lại nhiều ấn tượng trong chúng tôi. Ở đó có sự sẻ chia chân thành và những ước mơ giản dị. Ở đó, Tết không cô đơn.

Bài và ảnh: Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm