Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sổ đỏ - nhiều gian nan, phức tạp?

Thứ ba, 29/04/2014 - 09:04

(Thanh tra)- Một số lãnh đạo tỉnh, huyện và Trung ương khi “vấp vào” cũng kêu trời! Nhiều ông không than là vì có “đệ tử” chạy giúp, rất lẹ… Có ông đại tá công an, khi được người thân nhờ làm giúp sổ đỏ, cũng than: “Nhà tôi, ở mấy chục năm đã làm được đâu? Vợ con có đi, khi họ bảo thiếu giấy này, khi cần chứng nhận kia. Mỗi nơi mỗi phách, mỗi năm một kiểu… Họ bày đặt ra các “quy định”, có trời mà làm được! Còn dân có người chẳng để ý làm sổ đỏ, vì cứ thế ở có sao đâu, làm gì cho mất công, rách việc…”. Chúng tôi kể rằng: Có Bộ trưởng đưa cho lái xe, thì làm nhoáy, vài tuần là xong. Còn ông trợ lý và vợ con thì kêu khó quá, không thấy họ đòi “ tiêu cực”, nhưng thủ tục thì nghe phát ớn… Vậy, chắc ông lái xe phải “tìm đường” giúp thủ trưởng bằng “lối cửa sau”!

Một dạo, báo chí quyết liệt, kê đủ loại “hành dân”. Bàn lên, bàn xuống, lãnh đạo cấp cao liền tập trung giải quyết ách tắc bằng nhiều cách miễn sao có lợi cho dân, kể cả nợ tiền, thiếu những giấy tờ không cơ bản… Rồi cải cách, đẻ ra “một cửa”. Rồi tuyên truyền rằng hay, rằng thoáng, rằng dứt điểm, rồi giảm thiểu thủ tục hành chính… Các lãnh đạo nghe sướng lắm! 

Một lãnh đạo cấp vụ, chuyên chống các sai phạm về hành chính, tham nhũng tưởng thật, nhận lời giúp bạn là nhà văn “tách sổ đỏ” sau khi ly hôn. Trên xe, ông chém tay, khẳng định 100% là giấy tờ đã chuẩn: Có phán quyết của tòa, công chứng, sổ đỏ, hóa đơn, chứng từ, đơn, xác nhận của tổ dân phố, của phường… Chắc nhất là: Bạn thân của ông phụ trách việc giải quyết nhóm “một cửa” này. Thế nhưng, sau một buổi làm việc với phòng có “bạn vàng”, ông đã trả lại hồ sơ và thở dài: Cách làm như thế thì ngàn năm cũng không xong cho dân, vẫn cứ mấy ông “bảo thủ”, ít hiểu biết pháp luật, sợ sai, tránh né, thì sổ đỏ cho dân cứ “treo cao mãi”… Còn thống kê tỷ lệ phần trăm sổ đỏ đã làm xong cũng là một kiểu “báo cáo láo”! 

Bực mình, chúng tôi rủ ông xông thẳng vào phòng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ông này xem lướt qua, ngạc nhiên vì sao cấp quận không giải quyết và liền bút phê: Tôi thấy hồ sơ đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Ba ngày sau, lãnh đạo quận nhắn tin lên lấy sổ đỏ.

Vậy là, cán bộ chúng ta quen cung cách “làm theo chỉ đạo” chứ công việc thường xuyên, đúng pháp luật cho dân, vẫn “cứ ngại”! Đúng ra là, sợ trách nhiệm, hay đúng ra là không chuyên nghiệp? Có lẽ cả hai! Tại sao một phán quyết của tòa đã có hiệu lực thi hành, nhân danh Nhà nước, buộc phải thực hiện, mà người ta vẫn sợ sai khi thực hiện, hay là chờ vòi vĩnh, lót tay?

Mà không phải chỉ một trường hợp… Một thanh tra viên cao cấp chuyên đi giải quyết khiếu nại, tố cáo, từng được Chính phủ khen ngợi, một hôm đến tòa báo, buồn bã trình bày: 3 năm rồi, lên quận chờ chực, hẹn hò, nhưng không làm được sổ đỏ mảnh vườn, dù đã có phán quyết của tòa án. Lãnh đạo một tờ báo bảo ông viết đơn gửi báo, ông lắc đầu đề nghị cho phóng viên giúp đỡ, vì quận họ nể, chắc giải quyết êm hơn… Phóng viên xin đặt lịch làm việc, khi nghe xong sự việc, quận Hoàng Mai bảo: Việc này đơn giản và một tuần, ông thanh tra viên cao cấp về hưu có sổ đỏ…


Dân tin báo chí, trong đó có Báo Thanh tra, mới tìm đến nhờ vả, có người ở cơ quan ngoại giao, công an, giáo sư, bác sĩ, cựu chiến binh… Đồng thời, họ cũng cung cấp tài liệu, tố cáo, phê phán những nơi có kẻ xấu đang cố kết với bọn “cò dự án” bắt chẹt dân, lừa dân, kéo dài quy trình làm sổ đỏ, đặt ra các loại giấy tờ, các loại chứng nhận, quy định, điều khoản, xác nhận không cần thiết, đã bị loại bỏ từ lâu, các loại “hợp đồng ma”, hợp đồng giả, công chứng nhì nhằng… Mục đích là để báo chí theo dõi, thông tin, giúp cơ quan chức năng “làm trong sạch đội ngũ” và hướng dẫn các cấp, các ngành làm nhanh, làm tốt sổ đỏ cho dân, vì dân. 

Đừng vì chút lợi nhỏ của “lợi ích nhóm” mà đánh mất niềm tin của toàn thể cộng đồng dân tộc! Tập trung hướng về đại cục mà chịu khó, kiên trì, đoàn kết, vươn lên, hướng tới thắng lợi cuối cùng!


Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm