Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển thủy điện trên sông Mekong: Mối lo hai đầu

Chủ nhật, 17/07/2011 - 22:58

(Thanh tra) - Giới khoa học vừa lên tiếng cảnh báo, trong điều kiện có biến đổi khí hậu (BĐKH) và mực nước biển dâng, việc phát triển thủy điện tràn lan trên dòng sông Mekong sẽ khiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu tác động kép từ cả thượng lưu xuống và từ biển vào.

Một góc thủy điện Buôn Kuop - Đắc Nông

Dòng chảy các sông, suối đổ vào Việt Nam mỗi năm có tổng lượng khoảng 830 - 850 tỷ m3, trong đó phần đóng góp của sông Mekong chiếm khoảng 57%, tương đương 475 tỷ m3. Điều này phản ánh tầm quan trọng của sông Mekong không chỉ đối với việc phát triển ĐBSCL mà còn nhiều khu vực khác trong nước như Tây Nguyên, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Do nằm ở hạ lưu, ở cuối nguồn dòng Mekong, khu vực ĐBSCL lâu nay được hưởng nhiều lợi thế từ sự màu mỡ phù sa con sông này bồi đắp, và nhận lại toàn bộ lượng dòng chảy sông sau khi qua các nước nằm ở thượng lưu. Thế nhưng, cũng do vị trí nằm cuối dòng chảy, nước sông Mekong về đến ĐBSCL đã, đang và sẽ chịu tác động của mọi biến động thiên nhiên lẫn hoạt động của con người ở phía thượng lưu.

Một trong những nguy cơ tác động ấy là việc phát triển thủy điện, đặc biệt các bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong phần qua lãnh thổ Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia.

Tác động của việc phát triển thủy điện đối với khu vực hạ lưu sông Mekong được nhìn nhận cả trên khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Đối với hạ lưu các công trình thủy điện, tác động tích cực đáng kể nhất là điều hòa dòng chảy nếu là thủy điện hồ chứa điều tiết năm. Thế nhưng các hồ chứa có điều hòa dòng chảy cho hạ lưu hay không lại tùy thuộc rất nhiều vào chế độ vận hành của bản thân hồ chứa, và trong thực tế, vì lợi ích kinh tế, phần lớn các hồ chứa thủy điện đã vận hành theo chế độ phát điện, còn lợi ích của các ngành dùng nước khác đã bị bỏ quên, không được đáp ứng, do đó tác động tích cực của các hồ thủy điện là rất hạn chế.

Trái lại, tác động tiêu cực đối với hạ lưu do việc phát triển thủy điện thì rất  đậm nét, dễ thấy. Các chuyên gia chỉ ra một loạt tác động tiêu cực điển hình và cực kỳ đáng ngại. Trước hết, các nhà máy thủy điện sẽ làm thay đổi toàn bộ chế độ dòng chảy trong ngày hoặc theo mùa so với dòng chảy tự nhiên. Chế độ dòng chảy xuống hạ lưu sẽ thay đổi theo hướng bất lợi như lưu lượng đỉnh lũ sẽ tăng khi các hồ chứa ở thượng lưu tích nước quá sớm, còn lưu lượng trong mùa khô sẽ giảm do các hồ chứa ở thượng lưu vẫn tìm cách tích nước để đảm bảo phát điện trong thời gian này. Khi lưu lượng giảm trong mùa khô, khu vực hạ lưu có nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, tăng diện tích bị xâm nhập mặn. Những thay đổi dòng chảy như thế rốt lại tiềm ẩn nguy cơ lớn kéo theo sự thay đổi môi trường lưu vực sông, tác động đến những thay đổi năng suất sinh học sơ cấp của hệ sinh thái, bao gồm những ảnh hưởng tới khu vực ven sông, thực vật ven sông, điều kiện sống ở hạ lưu như các vùng đất ướt, đồng bằng ngập lũ.

Tiếp theo, tình trạng găm giữ vật liệu bồi lắng và chất dinh dưỡng trước đập thủy điện sẽ khiến cho dòng sông phía hạ lưu suy giảm lượng phù sa và chất dinh dưỡng. Từ đó tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh, đặc biệt làm suy giảm lượng cá ở hạ lưu vốn dĩ là nguồn sinh kế của hàng triệu người dân sống trong lưu vực. Giống như các lưu vực sông tương tự trên thế giới, phù sa sông Mekong bồi bổ cho các cánh đồng ngập lũ, vùng châu thổ, đầm hồ cũng như góp phần tạo nên những bãi bồi lấn xa ra biển.

Nói cách khác, lượng phù sa lắng đọng có quan hệ mật thiết với lượng phù sa vận chuyển trong sông và điều kiện địa hình lòng sông. Theo một đánh giá của Ủy ban Mekong quốc tế, lượng phù sa hàng năm của sông Mekong đến cửa sông và đổ ra biển là từ 150-200 triệu tấn. Lượng phù sa khổng lồ này là sự bổ sung màu mỡ cho ĐBSCL, bồi đắp và làm cho ĐBSCL lấn ra biển với mức độ 1-2 m/năm. Việc giảm chất bồi lắng có thể dẫn tới sự thoái hóa lòng dẫn, thay đổi sinh thái lòng sông, thoái hóa các vùng đồng bằng ven biển và tất cả những điều này quay trở lại làm cho nước biển lấn sâu vào nội đồng, xói lở bờ sông và bờ biển. Đứng ở vị trí đối mặt với nạn xói lở bờ lớn nhất chính là những tỉnh ở đầu châu thổ như An Giang, Đồng Tháp, trong đó đặc biệt đáng ngại là ở Tân Châu - An Giang.

Có lẽ chính vì thế mà các chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam thẳng thắn khuyến cáo rằng, các thủy điện bậc thang trên dòng chính sông Mekong không mang lại bất cứ lợi ích nào cho ĐBSCL, trái lại còn đe dọa trực tiếp tới đời sống của gần 20 triệu dân ở ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai, thậm chí đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

Việc khai thác ngày càng mạnh mẽ các tài nguyên trong lưu vực sông Mekong nói chung, tiềm năng thủy điện nói riêng, đặc biệt trên dòng chính ở cả phần thượng lưu và hạ lưu đang là thách thức ngày càng tăng đối với sự phát triển bền vững. Đành rằng phát triển là không dừng lại, nhưng phát triển bền vững mới là con đường để tồn tại dài lâu.

 Bài, ảnh: Thiện Nhân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm