Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nông dân vẫn “đói” thông tin

Thứ ba, 17/05/2011 - 11:16

(Thanh tra)- Thông tin đối với mọi tầng lớp trong xã hội đều cần thiết và rất quan trọng. Song, có một nghịch lý hiện nay là, một bộ phận người nông dân dường như đang rất thiếu thông tin.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, hệ thống báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng hàng ngày, hàng giờ cung cấp những tin tức nóng hổi, thời sự đến với người dân. Ấy vậy mà, đại bộ phận nông dân nước ta lại đang “đói” thông tin. Không chỉ về lĩnh vực văn hoá, xã hội, giải trí mà cả những thông tin liên quan mật thiết đến họ như thông tin về giá cả thị trường nông sản, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nông nghiệp, chính sách, pháp luật…, bà con cũng đang thiếu.

Theo một cuộc điều tra, tại các tỉnh phía Bắc có tới 90% người dân nông thôn không đọc báo viết, tại miền Trung con số này còn cao hơn. Với các đài phát thanh, số người thường xuyên nghe chỉ xấp xỉ 40%. Thông tin qua truyền hình cũng tương tự, và bà con không có nhiều thời gian để ngồi xem. Mạng lưới Internet ở nông thôn lại càng hiếm. Hệ thống bưu điện văn hóa xã thì nghèo nàn, thiếu thốn. Kênh thông tin chính đến với bà con là qua hệ thống chính quyền cơ sở (thôn, xã) nhưng không phải mỗi lúc lại tổ chức họp dân để thông báo, và qua kênh này chủ yếu là thông tin về các nghị quyết, chương trình cụ thể của địa phương.

Vì thông tin thiếu và không đầy đủ, nhất là những thông tin phục vụ sản xuất, nên trong nhiều trường hợp, bà con nông dân đã ra các quyết định sai, hay nói cách khác là chạy theo phong trào. 

Có thể nhắc tới chuyện nông dân đua nhau nuôi ốc bươu vàng những năm trước đây, để rồi lại mất bao công sức đi thu gom, diệt loài ốc này vì chúng có sức sinh sản và tàn phá lúa, hoa màu khủng khiếp. Hay chuyện gieo trồng giống lúa IR 50404 ở ĐBSCL. Nông dân dường như không biết đến khuyến cáo của cơ quan chức năng về những bất lợi của giống lúa này trong vụ hè thu. Bởi vậy, diện tích gieo cấy lúa IR 50404 quá lớn, kết cục là hiệu quả thu được thấp.

Không tiếp cận đủ thông tin cần thiết về thị trường, giá cả nông sản cũng khiến cho nông dân thiệt đơn thiệt kép khi sản xuất ồ ạt mà không có đầu ra, hay mua phải những mặt hàng vật tư nông nghiệp giả, nhái, kém chất lượng. Các thông tin về chính sách cũng như vậy. Một thực tế phổ biến là loại thông tin này rất thiếu và không đầy đủ, vì vậy bà con nông dân rất lúng túng trong tiếp cận những chủ trương mới, chính sách mới, đặc biệt là những nhóm chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước dành cho nông dân và sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề tăng cường thông tin và truyền thông đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn đã được tính đến, nhưng chưa bài bản, thấu đáo. Cần nhiều hơn nữa những thư viện, tủ sách dòng họ ở mỗi làng quê; cần đầu tư, đổi mới làm sống lại những điểm bưu điện văn hoá xã, để nơi đó thực sự là nơi nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần cho người dân nông thôn. Bà con chỉ đến các điểm bưu điện văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng khi ở đó, họ có đầy đủ những thông tin mà mình cần qua sách báo, tài liệu, qua internet…

Đối với những bản làng xa xôi, hẻo lánh, ngoài kênh thông tin từ phát thanh, truyền hình, rất cần những cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, “đứng chân”, “cắm bản” hướng dẫn bà con, giúp họ tìm tòi, tra cứu được những thông tin mà họ đang “đói”.

Trong các chính sách hướng về nông thôn và nông dân, chính sách thông tin - truyền thông cần được coi là một trụ cột ưu tiên. Thông tin, với nhà nông, chính là một nguồn lực không thể thiếu để đưa họ đến no ấm, góp phần làm cho nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại…

Hương Lan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm