Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nơi gặp gỡ giấc mơ chung

Thứ năm, 23/06/2011 - 10:56

(Thanh tra)- Trước sự quan tâm của dư luận về Đại học (ĐH) Tân Tạo - ngôi trường “phi lợi nhuận” đầu tiên ở Việt Nam, PV đã phỏng vấn TS Trần Xuân Thảo, người cùng nữ doanh nhân Đặng Hoàng Yến có những bước đi đầu tiên cho một chương trình đào tạo tầm cỡ quốc tế: Đồng hành cùng sinh viên (SV) nghèo, học giỏi để cống hiến cho đất nước.

TS.Trần Xuân Thảo, một trong những người đặt nền móng cho chương trình đào tạo tầm cỡ quốc tế

+ Nghe bảo, khi ông về Tân Đức thăm Trường ĐH Tân Tạo, hiện trạng lúc ấy chỉ mới là mấy cái cọc trên vùng đất phèn hoang hóa. Khi ấy, ông nghĩ gì?

- Thú thật, những lô cọc cao nằm trên khoảng đất rộng không ấn tượng gì. Nhưng chính những cái cọc đã đóng vào lòng đất ấy nói lên tất cả. Tôi đã thấy lòng quyết tâm và sự khẳng định đã được cắm sâu vào lòng đất sau từng tiếng búa máy. Và phải nói, tôi bị thuyết phục hoàn toàn khi bà Hoàng Yến say sưa nói về ước mơ về một ĐH Việt Nam ngay trên đất nước Việt Nam để cho học sinh xuất sắc nhưng chỉ cần có điều kiện là vươn lên đỉnh cao của thời đại, lúc bà Yến chỉ cho tôi sơ đồ trên 3D và trên sa bàn.

+ Tôi tưởng, lúc ấy ông quyết định ngay về làm việc cho ĐH Tân Tạo chứ? Sao lại phải 2 năm sau?

 - Thật ra, mãi về sau này bà Yến mới hỏi tôi có muốn về “để cùng xây dựng ước mơ ấy”. Với lại, tôi cũng đang nặng nợ với Chương trình Fulbright. Tôi đến với Fulbright trong tình huống rất nghiệt ngã. Tôi đi học TS về quản lý giáo dục ở Mỹ về và không đâu bố trí được việc làm! Chương trình Fulbright là "phao cứu sinh" của tôi sau gần nửa năm… thất nghiệp. Còn thật ra tôi đã bị cuốn hút ngay từ bởi ý tưởng tuyệt vời của bà Yến về ĐH Tân Tạo. Trước đó, tôi cũng có vài lần tiếp xúc với những dự án (D.A) ĐH khác, nhưng tôi chưa tin vào sự thành công của những D.A này.

Ông Trần Xuân Thảo rời ĐH Sư phạm Huế khi đang là một chủ nhiệm khoa, sau 20 năm gắn bó và sau đó là 11 năm làm Giám đốc Quỹ Học bổng Fulbright - một quỹ học bổng danh giá của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - đem đến những trải nghiệm thú vị và có tính bước ngoặt với rất nhiều công dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, TS Trần Xuân Thảo vẫn không nguôi ước mơ về một ngôi trường ĐH Việt Nam sánh vai cùng thế giới. Và, cuộc gặp gỡ đầu tiên cách đây gần 3 năm với một nữ doanh nhân là một bước ngoặt quyết định. Nữ doanh nhân ấy là bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập Đoàn Tân Tạo. “Tôi thấy có lửa trong từng câu nói của bà Hoàng Yến về dự định xây dựng một trường ĐH Việt Nam cho học sinh giỏi mà nghèo” - TS Thảo nhớ lại buổi gặp đầu tiên ấy trong bữa tiệc ngoài trời ở TP HCM.

+  Thế điều gì làm ông tin vào D.A ĐH Tân Tạo?

- Trước hết, tôi thấy tầm nhìn và tấm lòng vì giáo dục của bà Yến quá lớn. Khi bà Yến nói: “ĐH Tân Tạo là ĐH tư Việt Nam, vĩnh viễn không vì lợi nhuận, muốn mở ra cơ hội vào ĐH cho những học sinh xuất sắc nhưng gặp khó khăn về kinh tế trên khắp vùng miền đất nước”, tôi đã thấy được bức tranh tổng thể của sự thành công. Các bạn thử nhìn quanh có được bao nhiêu trường ĐH chú tâm đến điều này, trên một đất nước mà có đến 70% ở nông thôn và sống bằng lao động giản đơn? Các bạn biết là bà Yến nói và bắt tay thực hiện D.A ngay và mãi gần 2 năm sau thì giấy phép mới được cấp.

Thông thường, một sản phẩm khi nhằm đến việc phục vụ người nghèo hoặc thu nhập thấp, nhà sản xuất chọn cách hạ giá thành sản phẩm đến mức tối thiểu hoặc tới mức người nghèo có thể mua được. Việc làm này chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng. Như¬ng, ĐH Tân Tạo muốn cung cấp một nền giáo dục ĐH tầm cỡ quốc tế cho đối tượng mà họ biết chắc không thể có, ngay cả trong giấc mơ. Để làm được việc đó, ĐH Tân Tạo quyết định cấp học bổng toàn phần. Xin mọi người đừng nhìn theo cách truyền thống là giáo dục ở ĐH Tân Tạo miễn phí, mà hãy nhìn từ góc độ bà Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Yến thay mặt bố mẹ SV trả học phí để cho con em họ được có cơ hội vào ĐH. Các bạn biết là ĐH Tân Tạo nhắm đến đối tượng học sinh xuất sắc trên khắp vùng, miền của đất nước mà nếu không được hỗ trợ thì cánh cửa ĐH khép kín, chứ đừng nói đến việc có cơ hội vào học một ĐH với chất lượng tầm cỡ quốc tế.
   
+ Việc làm này không mới. Trên thế giới cũng có nhiều nơi làm rồi?

- Có ít nhất 2 cách để có tác động thay đổi. Một là, nghĩ ra một cách làm mới. Hai là, tìm một cách làm mà nơi khác người ta đã làm và áp dụng vào môi trường hay tình huống của mình. Thấy người ta làm điều hay mà bắt chước làm theo đã là một điều quá tốt. Đằng này lại là điều tốt mà có lợi cho người khác, cho xã hội.

+  Có người bảo, để xem trường ĐH này tồn tại được bao lâu?

- Dĩ nhiên là chúng tôi phải tính đến tính bền vững của D.A. Nhưng, tôi không đồng tình với suy nghĩ và thái độ của người luôn luôn muốn là người ngoài cuộc và tệ hại hơn là muốn nhìn thấy điều tốt thất bại, vì mỗi một lý do là người làm điều tốt ấy không phải là mình. Tôi tin là dần dần sẽ có người nhập cuộc để ĐH Tân Tạo càng ngày càng phát triển. Để một mình khởi đầu một D.A như bà Hoàng Yến thì chắc ít người làm được, nhưng để ủng hộ D.A thì chắc chắn rất nhiều người làm được. Chúng tôi sẽ lập Quỹ Hiến tặng như là một trong những phương án để tăng cường tính bền vững của chương trình học bổng. Và tôi tin là sẽ có những nhà tài trợ, già cũng như trẻ, gửi đến những món quà của tấm lòng đối với giáo dục.

Chúng tôi sẽ trân trọng những quà tặng này, dù lớn hay bé, cũng giống như những tấm séc 5 - 10 USD mà Tổng thống Obama có được trong lúc tranh cử - đằng sau ấy là sự ủng hộ và những tấm lòng. Ông Đại sứ Mỹ Machalak đã đến thăm và tặng chúng tôi những cuốn sách mà ông ấy giữ từ hồi đi học cấp III và đã đi theo ông suốt bao nhiêu năm nay, với lời chúc là sẽ có nhiều người khác tiếp tục hiến tặng. Trong năm học chắc chắn mỗi một SV có thể đóng góp ví dụ như bằng một ngày công lao động. Chúng tôi muốn xây dựng một nét văn hóa biết ơn xã hội và làm người trong cuộc.

+ Xin ông chia sẻ thêm một điều gì đó đối với học sinh và phụ huynh?

- Rất ít người thành công chỉ với kiến thức công việc. Đây là nơi để SV chuẩn bị mình thành công với bất cứ công việc gì sau này. Mục tiêu giáo dục của ĐH Tân Tạo không chỉ đơn thuần là huấn luyện kỹ năng việc làm. Theo mô hình nhân văn, ĐH Tân Tạo sẽ giúp SV phát triển các kỹ năng cao cấp như tư duy phân tích, giải quyết vấn đề, giao tiếp, phân tích dữ liệu và làm việc trong nhóm. Những kỹ năng này rất thiết yếu cho một thị trường lao động thay đổi nhanh và phát triển không ngừng. Đây cũng là những kỹ năng cần thiết cho sự sáng tạo và đóng góp cho xã hội.

Các em học sinh nghèo thân mến, chỉ cần các em giỏi và muốn thành công để trở thành những nhà lãnh đạo tài ba cũng như muốn có những đóng góp cho xã hội, ĐH Tân Tạo mở rộng cánh cửa chào đón các em để biến giấc mơ của các em thành hiện thực. Để có thêm thông tin về học bổng các em hãy vào trang web http://www.ttu.edu.vn.

+ Xin cảm ơn ông!

Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm