Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 15/08/2011 - 11:02
(Thanh tra) - Sau 2 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sức lan tỏa của hàng Việt ngày càng sâu rộng. Người tiêu dùng đã có chuyển biến tích cực, nhìn nhận khách quan hơn về chất lượng hàng hóa trong nước. Dù còn rất nhiều khó khăn để hàng Việt được ưa dùng hơn, song phải thừa nhận, hàng Việt ngày càng có chỗ đứng rộng hơn trên “sân nhà” và xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng.
Kết quả…
Kết quả điều tra của Tập đoàn truyền thông Grey Group cho thấy, người Việt có xu hướng sính hàng ngoại cao nhất châu Á (77% người Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài so với mức trung bình trên toàn châu Á là 40%). Nhưng xu hướng này ngày càng có sự thay đổi khi niềm tin của người tiêu dùng Việt vào triển vọng của nền kinh tế ngày càng lớn, cùng với những đánh giá khách quan hơn về chất lượng hàng nội địa.
Thực tế, khoảng 7 - 8 năm qua, tốc độ nhập khẩu nhiều mặt hàng như điện máy, máy móc thiết bị, nguyên nhiên liệu, thực phẩm tăng rất nhanh. Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh, hàng tiêu dùng chiếm tới 27,3% (nhập từ các nước khác chỉ có 7 - 8%), điều đó cho thấy, sức cạnh tranh của hàng trong nước còn rất yếu.
Theo đánh giá, từ chỗ chỉ có 32% người Việt quan tâm đến hàng Việt nhưng sau gần 2 năm triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động con số này đã tăng lên 58%, có hơn 15.000 lượt đưa hàng về nông thôn. Rõ ràng việc triển khai CVĐ đã mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội, cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Nhờ hưởng ứng CVĐ, các DN đã chú ý nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối…
Đơn cử, nếu chỉ tính riêng tốc độ tăng trưởng của dệt may nội địa đã đạt mức trên 20%, sau 2 năm triển khai CVĐ, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2011, trong xu thế người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh thu ngành Dệt may vẫn tăng trưởng ổn định trên 23%.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, sau gần 2 năm thực hiện CVĐ, nhận thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến rất rõ rệt về ý nghĩa, nội dung CVĐ; về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam… Các DN là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ CVĐ.
Qua 7 tháng đầu năm 2011, Bộ Công thương đã thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng CVĐ như: Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng, các DN, các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, chương trình, nội dung CVĐ; rà soát, bổ sung luật pháp, cơ chế hành động; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước như khuyến công, đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng Việt khuyến mại, hội chợ, triển lãm hàng Việt, mở rộng kênh phân phối thị trường; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường…
Những hạn chế
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện CVĐ còn có những tồn tại, nhất là trong khâu kiểm tra, kiểm soát thị trường; các hoạt động còn diễn ra đơn lẻ, chưa có sự phối kết hợp đồng bộ nên hiệu quả chưa cao; các DN còn chưa tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của mình một cách sâu rộng, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa.
Đã có nhiều DN còn trăn trở khi tham gia CVĐ. Dường như chỉ các DN lớn, có thương hiệu mới chú ý tới thị trường trong nước, còn nhiều DN nhỏ chưa thực sự quan tâm đến thị trường nội địa, vì kinh doanh nội địa chi phí cao, nhất là chi phí thuê cửa hàng, mặt bằng; hơn nữa, việc xây dựng và phát triển hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các DN vừa và nhỏ.
Do kinh phí dành cho các hoạt động thực hiện CVĐ hạn chế nên các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, triển khai chương trình hành động, …
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CVĐ Bộ Công thương, mặc dù CVĐ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì nhưng Bộ Công thương là thành viên hoạt động rất tích cực và đóng vai trò chủ chốt.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả CVĐ, Bộ Công thương đã đề ra một số nội dung cho chương trình hành động trong thời gian tới: Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham mưu cho UBND tỉnh, tiến hành phối kết hợp với các DN tại địa phương và trong ngành tổ chức đưa hàng đến nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa; chú ý tới việc đào tạo lực lượng cán bộ thương mại cho các địa phương. Hiện nay, Bộ Công thương đã có kế hoạch đào tạo 1.000 cán bộ quản lý chợ và 250 chủ nhiệm HTX thương mại; Bộ Công thương sẽ chủ trì phát động chương trình “Chuỗi ngày Vàng ngành Công thương hưởng ứng CVĐ” trong toàn ngành Công thương; giao cho Vụ Thị trường trong nước xây dựng chương trình tháng khuyến mại trong cả nước;
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết, trong tháng 8 này, Bộ Công thương sẽ kết hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm phân phối hàng Việt trong hệ thống/kênh bán lẻ hiện đại”.
Và kiến nghị
Có ý kiến cho rằng, giai đoạn sắp tới cần nâng cấp nội dung CVĐ lên thành “Người Việt ưu tiên tiêu thụ hàng Việt” không chỉ trong nước mà còn mở rộng với cộng đồng người Việt trên thế giới.
Muốn làm được việc đó, trước hết cần hỗ trợ kinh phí cho DN tham gia tổ chức các hoạt động bán hàng, thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, lên miền núi, biên giới và hải đảo. Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền mạnh hơn nữa cho hàng Việt.
Mặt khác, cần xem xét lại chiến lược sản xuất, nhất là chủ trương “sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu”. Cần phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa để trở thành “mắt xích” trong chuỗi sản xuất hàng hóa của thế giới, nhằm giảm chi phí và đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, người tiêu dùng cần có nhiều thông tin hơn về hàng hóa, sản phẩm và chính vì vậy, vai trò của các nhà phân phối, bán lẻ - với tư cách là những người trực tiếp giao dịch hàng ngày với người tiêu dùng - là hết sức quan trọng.
Ngoài ra, nên mở rộng khái niệm hàng Việt Nam để ngoài việc tuyên truyền sử dụng sản phẩm trong nước thì người tiêu dùng hưởng ứng sử dụng các tư liệu sản xuất, dịch vụ trong nước.
Thụy Vy
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà