Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Một tín hiệu bất an cho thị trường

Thứ bảy, 02/07/2011 - 16:53

(Thanh tra) - Trong mấy ngày gần đây, các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gà, trứng, cá tại thị trường TP. Hồ Chí Minh… đã đồng loạt tăng giá. Nguyên nhân làm cho thị trường nhiễu loạn về giá là do nguồn cung cầm chừng, sức mua tăng, cùng với tình trạng đổ xô đến tận nơi sản xuất chăn nuôi thu gom hàng với giá cao của nhiều thương lái người Trung Quốc.

Doanh nghiệp than

Nhiều thương lái Trung Quốc đến Việt Nam đẩy mạnh thu mua các mặt hàng thủy sản, cà phê, thịt heo, trứng gia cầm… đã làm náo loạn giá thị trường trong nước trong những ngày gần đây. Trong khi một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam không “tranh mua” nguyên liệu được với thương lái Trung Quốc thì nông dân lại như mở cờ trong bụng vì bán được hàng với giá cao.  

Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, các thương lái Trung Quốc sang tận nơi thu mua trứng lẫn vịt, kể cả là vịt già. Thậm chí họ đang mở lò giết mổ với công suất 1.000 - 2.000 con gia cầm/đêm tại Tiền Giang, sắp tới sẽ bắt đầu thu mua, giết mổ, đông lạnh để chở về nước. Do vậy nguồn cung trứng sụt giảm đáng kể, thậm chí nhiều trại có vịt giảm năng suất đẻ là bán ngay, khiến tổng đàn vịt đẻ hiện giảm đến 30 - 40%. 

Ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty TNHH - TM - DL - DV Vinh Sang cho biết, cả tháng nay công ty không thể gom nguyên liệu cho kịp đơn hàng với đối tác chỉ vì các mối bán thủy sản cho công ty mang bán hết cho thương lái Trung Quốc. Chúng tôi biết họ thu mua với giá cao nhưng DN trong nước không làm được điều này vì nếu thu gom trực tiếp hàng trong dân thì các DN Việt Nam không thể cạnh tranh nổi vì tiềm lực vốn nhỏ, khả năng huy động vốn yếu và lãi suất ngân hàng rất cao.

“Ngoài sự nỗ lực của các DN trong việc dành lại thị phần từ tay các thương lái Trung Quốc, để thị trường hàng hóa bình ổn trong chuỗi cung cầu, một chính sách quản lý ở cấp vĩ mô đối với thị trường là cần thiết vì thực tế trong quá khứ đã xảy ra tình trạng mủ cao su, dưa hấu, thanh long, xoài đi Trung Quốc nằm bờ đến thối rữa vẫn không xuất được.”
 

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh cho biết, giá thịt gà công nghiệp tại chợ lẻ lên hơn 60.000 đ/kg, giá thịt vịt cũng tăng lên đến 68.000 -70.000 đ/kg, tăng 10.000 đ/kg so với đầu tháng. Theo ông Minh, trước tình hình thương lái Trung Quốc thu gom ồ ạt nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, cơ quan chức năng cần có các cảnh báo cần thiết cho nông dân. Tuy trước mắt có lợi nhờ giá tăng nhưng kinh nghiệm trước đây cho thấy, thương lái Trung Quốc từng nhiều lần gom hàng hóa của Việt Nam sau đó đột ngột ngưng giao dịch, dẫn đến lỗ nặng cho người nông dân. 

Mỗi ngày Công ty TNHH Ba Huân có nhu cầu mua khoảng 2 triệu quả trứng  gia cầm nhưng do nguồn cung từ các tỉnh đã giảm đến 30% nên việc kinh doanh trở nên khó khăn. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, nguồn cung giảm là do Trung Quốc mua gom vịt thải và trứng vịt muối, phục vụ cho mùa bánh trung thu sắp tới. Dù công ty đã cam kết thu mua và cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông trại, nhưng do giá trứng trên thị trường tăng quá nhanh khiến các đơn vị này không thể bán cho Ba Huân với mức giá rẻ hơn 5%. 

Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan Trần Tấn An cho biết, giá heo hơi tại TP. Hồ Chí Minh hiện đã lên tới 62.000 - 63.000 đồng/kg, giá thịt heo trên thị trường bán lẻ có loại giá trên 100.000 - 110.000 đồng/kg. Tại Vissan, giá thịt heo bình ổn chỉ 82.000 - 89.000 đồng/kg, với giá bán này bình quân Vissan lỗ gần 10.000 đồng/kg thịt heo các loại, dẫn đến mức lỗ khoảng gần 200 triệu đồng mỗi ngày đối với mặt hàng thịt tươi sống. Việc thịt heo giá tăng vọt ngoài thị trường khiến cho các công ty kinh doanh loại thực phẩm này gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các DN tham gia chương trình bán hàng bình ổn.

Nông dân mở cờ

Lâu nay, trong chuỗi cung cầu hàng hóa lương thực thực phẩm, giá đến tay người mua lẻ đắt gấp 2 - 3 lần nơi sản xuất. Cụ thể một ký rau xanh ở Đà Lạt mang về chợ đầu mối giá tăng gần như gấp đôi, cho đến khi người tiêu dùng mua ở chợ lẻ giá đã đội lên có khi gấp 3 lần. Thịt heo, gà, cá biển, cá đồng cũng vậy, từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng giá quá chênh lệch và phần chênh lệch này nằm trong túi thương buôn, người nuôi trồng, người tiêu dùng đều bị thiệt. 

Gần đây tại khu vực phía Nam, xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc đến tận thổ cư, chuồng trại thu mua hàng hóa của Việt Nam với giá cao, việc này làm cho nhiều DN trong nước méo mặt vì không thể cạnh tranh được về giá, nhưng đối với nông dân họ như mở cờ trong bụng vì bán được hàng giá cao.  

Bà Nguyễn Thị Châu, ngụ ở Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết, người nông dân xưa nay chỉ biết trồng, thu hoạch rồi bán, việc giá cả đều do tư thương định đoạt. Có năm giá tiêu ở thị trường rất cao nhưng thương lái đến mua rẻ bèo. Năm nay nhờ có mấy người Trung Quốc đến mua, giá tiêu bán được đúng giá thị trường. “Bán tiêu cho người Trung Quốc thực ra không thích lắm nhưng vì tiền cao hơn nên người trồng tiêu buộc phải chọn lựa” bà Châu nói.     

Ông Nguyễn Văn Hóa, ngụ xã Gia Canh, thị trấn Định Quán lý giải giá tiêu DN trong nước mua 10 triệu đồng/tạ, thương lái Trung Quốc  mua 11 triệu đồng/tạ nên chả ai dại đi bán tiêu giá rẻ hơn. Thực ra giá tiêu thương nhân Trung Quốc chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh so với giá thực với thị trường, trong khi các DN trong nước lâu nay chuyên mua hàng của nông dân với giá rẻ nên mấy ông cứ kêu. Theo ông Hóa, thương lái Trung Quốc mua nông sản Việt Nam chỉ có tính chất thời vụ, vì vậy để làm ăn lâu dài với người nông dân các DN trong nước nên tính lại cách làm ăn của mình trong việc tiêu thụ sản phẩm và đừng để người dân thiệt quá nhiều như lâu nay.           

Khi thương nhân nước ngoài tham gia thu mua hàng hóa của Việt Nam, sản phẩm của nông dân ít bị ép giá như trước đây, và đây là quy luật của thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tạo ra cơ chế bình đẳng trong việc thu mua nguyên liệu giữa DN trong và ngoài nước để thị trường trở về với giá trị thực của nó. Việc thương lái Trung Quốc thu gom hàng hóa ngay tại địa bàn của các DN trong nước là sự thể hiện cách làm ăn yếu kém, thiếu uy tín của DN trong nước.

Thực tế lâu nay nhiều DN đã đối đãi với người chăn nuôi, trồng tỉa không sòng phẳng, chỉ vì quyền lợi đã bằng mọi giá ép giá thấp, đặt hàng rồi không mua, đến khi mua được thì giá rẻ như cho. Thương lái Trung Quốc vào thị trường Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với DN Việt Nam ở khâu thu mua hàng hóa, khó khăn là điều dễ hiểu nhưng nên xem đây là cơ hội để hoạch định lại cách làm ăn của mỗi DN.

Ngoài sự nỗ lực của các DN trong việc dành lại thị phần từ tay các thương lái Trung Quốc, để thị trường hàng hóa bình ổn trong chuỗi cung cầu, một chính sách quản lý ở cấp vĩ mô đối với thị trường là cần thiết vì thực tế trong quá khứ đã xảy ra tình trạng mủ cao su, dưa hấu, thanh long, xoài đi Trung Quốc nằm bờ đến thối rữa vẫn không xuất được.

 Thái Bảo

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm