Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mở cửa khoa học cho nông nghiệp

Chủ nhật, 20/01/2013 - 16:50

(Thanh tra) - Việt Nam là quốc gia đi sau trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng đã sớm đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Mục tiêu đến năm 2015, CNSH nông nghiệp Việt Nam sẽ đóng góp từ 20 đến 30% tổng số đóng góp của khoa học và công nghệ vào sự gia tăng giá trị của ngành Nông nghiệp và đạt trình độ khá trong khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh làm thí nghiệm tại phòng lên men thử nghiệm của Trung tâm

Những năm gần đây, các trung tâm và viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp hàng đầu ở miền Nam như: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2… đã có nhiều đóng góp lớn trong việc nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cho khu vực phía Nam, vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh ra đời năm 2004 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 100 triệu USD. Bước đầu, Trung tâm đã đạt được một số kết quả trong ứng dụng CNSH vào lai tạo giống hoa lan, sưu tập và định danh hơn 100 giống lan rừng Việt Nam quý hiếm; nghiên cứu thành công bộ Kit PCR phát hiện bệnh virus; nghiên cứu ứng dụng thành công hệ thống ngập chìm tạm thời trong nhân giống cấy mô thực vật có ưu thế vượt trội về số lượng cây con, tỷ lệ cây sống và rút ngắn thời gian; nghiên cứu về các loại vacxin ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra bằng công nghệ tái tổ hợp gen, gây đột biến; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào động vật để hoàn thiện quy trình tạo phôi bò bằng phương pháp thụ tinh in vitro…


Năm 2007, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao được thành lập với mục tiêu chuyển giao đến thực tế các mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Hiện nay, hơn 80 héc ta diện tích dành cho các nhà đầu tư đã được lấp đầy với 14 dự án. Bước đầu, tại đây đã chuyển giao thành công một số mô hình nuôi cấy mô giống lan quý, giống chuối đặc sản, giám định bệnh bằng CNSH phân tử, chuyển gen kháng bệnh trên cây cà chua...

Bên cạnh việc nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng, các nhà khoa học Việt Nam cũng nghiên cứu ứng dụng các thành quả của CNSH vào sản xuất phân bón hữu cơ nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh bền vững.

Việc ứng dụng CNSH trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng đạt được những thành công lớn. Điển hình như Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 đã thành công việc nghiên cứu gia hóa tôm sú (là quá trình khép kín vòng đời tôm sú bằng cách đưa tôm sú tự nhiên về nuôi bằng các biện pháp CNSH để trở thành tôm sú bố mẹ) để sản xuất tôm sú sạch bệnh, mở ra triển vọng sản xuất số lượng lớn nguồn tôm giống sạch bệnh, phục vụ ngành Công nghiệp nuôi tôm xuất khẩu.

Với cá tra, CNSH đã can thiệp khá sâu rộng, từ khâu chọn giống thế hệ bố mẹ làm nguồn sản suất cá tra giống tốt, đến việc nghiên cứu về di truyền tính trạng kháng bệnh gan thận mủ tạo con giống có độ tăng trưởng cao, sạch bệnh, sản phẩm an toàn.

Ngoài ra, Viện còn thành công trong nhiều nghiên cứu khác như ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh các loài thủy sản, sản xuất tôm càng xanh toàn đực, nâng cao chất lượng sinh sản cá chẻm nhân tạo và nghiên cứu chế phẩm vi sinh sử dụng trong phòng bệnh trên ấu trùng tôm …

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước, vì vậy công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH vào sản xuất lúa được xem là yếu tố quyết định giúp cải tạo các giống lúa, nâng cao sản lượng và chất lượng lúa gạo để ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ xuất khẩu. Do đó, Viện Lúa ĐBSCL đã tập trung nghiên cứu giải mã gen các giống lúa có khả năng chịu nhiễm mặn mà vẫn đạt năng suất cao, kháng bệnh, có phẩm cấp gạo cao. Viện đã tìm được 30 dòng lúa đạt tiêu chuẩn trên đưa vào khảo nghiệm, đánh giá trên đồng ruộng. Ngoài ra, Viện còn thành công với các nghiên cứu chuyển nạp gen tạo lúa kháng hạn, giàu vi chất dinh dưỡng.

Ngoài cây lúa, ĐBSCL còn là vựa trái cây lớn của cả nước. Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã tập trung nghiên cứu CNSH phát triển các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó nổi bật nhất là công nghệ nhân giống cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi…) bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng, không bị nhiễm bệnh vàng lá greening (VLG) và một số bệnh do virus gây hại. Hoặc xử lí chiếu xạ bằng tia gama để thay đổi cấu trúc gen nhằm tạo ra những loại cây đặc sản có múi không hạt.

Nhờ những phương pháp này mà Viện đã chuyển giao cho nhà vườn nhiều giống cây trồng sạch bệnh, năng suất cao, sản phẩm đồng đều và người nông dân có thể chủ động được thời vụ trồng, thu hoạch.

Viện cũng đang tiến hành các đề tài nghiên cứu lớn, trong đó đáng chú ý có đề tài xác định tác nhân gây bệnh chổi rồng trên nhãn bằng kĩ thuật sử dụng marker phân tử để nhân đoạn ADN định danh, hay đề tài phân loại tác nhân gây bệnh và nghiên cứu lai xa giữa giống xương rồng quả màu vàng với giống thanh long ruột trắng để tạo ra giống thanh long ruột vàng có hàm lượng carotenoids cao giúp chống được bệnh lão hóa ở người.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cũng là đơn vị đạt được nhiều kết quả nghiên cứu trên động vật như xác định tính trạng gen được ứng dụng trong chọn giống vật nuôi, trong kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nghiên cứu ứng dụng cải thiện sinh sản để sản xuất thế hệ bò con có giới tính theo định hướng chăn nuôi, tạo phôi nuôi trong bụng mẹ để giải bài toán thích nghi tốt hơn... góp phần phát triển chăn nuôi tại khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, CNSH thế giới đã có những bước tiến vượt bậc, một trong những thành tựu có thể kể đến là cây trồng biến đổi gen (GMO), tạo ra những loại cây trồng có các đặc tính như mong muốn. Việt Nam đã và đang tiếp nhận và ứng dụng một cách có chọn lọc những thành tựu khoa học về GMO theo hướng đem lại lợi ích kinh tế và đảm bảo an toàn sinh học.

Nhã Trân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm